BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 10 THÁNG - NĂM 2020

09/11/2020
anhpnh
BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 10 THÁNG - NĂM 2020

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 10 THÁNG - NĂM 2020


Tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn đang ảnh hưởng khá sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới như trên. Sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn các tháng gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2020 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tăng 0,09% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, CPI bình quân tăng 3,71% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm dần từ đầu năm. “Như vậy thì khả năng năm nay sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (khoảng 4%).
 Bên cạnh những điểm sáng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục chỉ ra một điểm sáng xuyên suốt từ đầu năm - đó là xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục diễn biến tích cực. Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất siêu ước đang ở mức kỷ lục, 18,72 tỷ USD. Điểm sáng tiếp theo, đó là giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách tiếp tục được đẩy mạnh, với số vốn giải ngân 10 tháng trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%).
Tổng kết lại, đánh giá về Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều đưa ra những triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là khá tích cực. IMF dự báo Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.

Cụ thể với những điểm nhấn đáng chú ý trong 10 tháng đầu năm 2020:
GDP: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020. GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
CPI, lạm phát: CPI tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 0,09% so với tháng 12/2019 và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Tín dụng, lãi suất: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó nhiều tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Tính đến ngày 26/10/2020, tín dụng tăng 6,15% so với cuối năm 2019. Như vậy chỉ trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm hơn 1 điểm phần trăm, tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước.
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Tính đến hết ngày 26/10/2020, Chỉ số VN-Index đạt 950,8 điểm, tăng 5% so với cuối tháng trước, trở lại mức điểm của thị trường trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại: Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 xuất siêu 3 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 16,52 tỷ USD; tháng Mười ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.
Vốn đầu tư: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước tính đạt 10,25% so với kế hoạch năm 2020, tăng không đáng kể so với mức 10,15% của tháng Chín. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười và 10 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Vốn FDI: Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 15,8 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam: Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 51,8 trong tháng 10, giảm nhẹ từ mức 52,2 của tháng 9 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất.
Đăng ký doanh nghiệp: Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10/2020 khởi sắc so với tháng trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Tổng mức bán lẻ & du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước tính đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).
Vận tải hành khách và hàng hóa: 10 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 2.916,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%) và luân chuyển 132,1 tỷ lượt khách.km, giảm 35,4% (cùng kỳ năm trước tăng 10,4%). Vận tải hàng hóa 10 tháng đạt 1.429.9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%) và luân chuyển 273,7 tỷ tấn.km, giảm 8,8% (cùng kỳ năm trước tăng 7,4%).
Khách quốc tế: Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 10/2020 ước tính đạt 14,8 nghìn lượt người, tăng 7,6% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.803,3 nghìn lượt người, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 10 THÁNG - NĂM 2020

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.35188 sec| 970.305 kb