BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 04 - NĂM 2020

06/05/2020
anhpnh
Biến động các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

TỔNG KẾT NHỮNG TIÊU ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý VỀ KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 04 - NĂM 2020.

Theo đánh giá của Chính phủ, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020 khi mà cả cung và cầu đều sụt giảm mạnh. Theo đó về phía cung, sản xuất công nghiệp giảm tới 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên sản xuất công nghiệp giảm trong giai đoạn 2016-2020. Không chỉ tác động tới sản xuất mà đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tiêu cực tới tổng cầu của nền kinh tế khi mà các hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính giảm tới 26% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%. Dịch bệnh cũng khiến vốn đầu tư nước ngoài, cả đăng ký và giải ngân, sụt giảm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, bức tranh kinh tế của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng trong đó nổi bật nhất là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục giảm tốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Xuất khẩu mặc dù gặp nhiều khó khăn song vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương; cán cân thương mại vẫn thặng dư khoảng 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Điểm tích cực nữa là thị trường tiền tệ vẫn vững vàng, ổn định. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đặt 84 tỷ USD.

Cụ thể với những điểm nhấn đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm 2020:

GDP: Tăng trưởng GDP trong quý I/2020 giảm rất mạnh. Cùng thời kỳ này năm ngoái nền kinh tế VN tăng trưởng 6,8%, năm nay 3,82%, giảm gần ½, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.

CPI, lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 làm giá xăng dầu giảm mạnh. uy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Lãi suất, huy động vốn:Tính đến ngày 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,6% so với cùng kỳ, huy động vốn tăng 12,16%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ của các tổ chức tín dụng giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn

Tăng trưởng tín dụng: Về tín dụng, theo số liệu mới cập nhật tín đến ngày 28/4/2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 4 giảm 13,3% so với tháng 3, tương đương 10,5% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Như vậy tín dụng đã tăng tích cực trở lại trong giai đoạn nửa tháng 4, mức tăng từ 0,8% vào giữa tháng 4 lên 1,32%, tương đương tăng trưởng được 0,52%.

Cán cân thương mại: Kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm mạnh 18,4% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỷ USD.

Vốn đầu tư & vốn (FDI): Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4, tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019. Tính chung trong 4 tháng, FDI 12,3 tỷ USD, tương đương mức giảm không lớn: 15,5% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam: Chỉ số PMI của Việt Nam giảm xuống còn 32,7.

Đăng ký doanh nghiệp: Bốn tháng đầu năm, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6%.

Tổng mức bán lẻ & du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.

Vận tải hành khách và hàng hóa: Hoạt động vận tải tháng 4/2020 tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, lượng hành khách vận chuyển giảm 76,8% và hàng hóa vận chuyển giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế: Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Tư chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước và giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/3/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 04 - NĂM 2020

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.54566 sec| 970.734 kb