BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 05 - NĂM 2020

05/06/2020
anhpnh
Biến động các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2020

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

TỔNG KẾT NHỮNG TIÊU ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý VỀ KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 05 - NĂM 2020.

Sau khi trải qua giai đoạn giản cách xã hội, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới” với những tín hiệu rất đáng mừng, đã duy trì và từng bước phục hồi nhanh các hoạt động. Nhiều điểm sáng đáng chú ý mà nền kinh tế Việt Nam đã có được sau thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, trong tháng 5/2020, đã có trên 5.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%; số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2%... Điều này cho thấy, nền kinh tế nước ta đang bắt đầu dần bình thường trở lại.

Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế vẫn đang đứng trước khá nhiều khó khăn khi mà các hoạt động kinh tế vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Vì vậy, bên cạnh chống dịch, chính phủ cũng đẩy mạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các gói hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội đối với người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể với những điểm nhấn đáng chú ý trong 5 tháng đầu năm 2020:

GDP: Tăng trưởng GDP trong quý I/2020 giảm rất mạnh. Cùng thời kỳ này năm ngoái nền kinh tế VN tăng trưởng 6,8%, năm nay 3,82%, giảm gần ½, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020.

CPI, lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 5/2020 giảm 1,24% so với tháng 12/2019 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi suất, huy động vốn: Ngày 13 tháng 05 năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm..

Tăng trưởng tín dụng: Đến ngày 15/5/2020, dư nợ tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm trước và tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1%, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.

Cán cân thương mại: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% (riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 10,4%); nhập khẩu đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng ước tính tiếp tục có mức xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Vốn đầu tư & vốn (FDI): Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2020 ước tính đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2020 đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam: Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) của Việt Nam trong tháng 5 đạt 42.7 điểm - tăng 10 điểm so với mức thấp kỷ lục 32.7 của tháng 4. Mặc dù các điều kiện kinh doanh giảm nhẹ hơn nhiều so tháng trước, dữ liệu mới nhất cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm nhanh.

Đăng ký doanh nghiệp: Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đăng ký doanh nghiệp trong tháng Năm có sự khởi sắc, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020.

Tổng mức bán lẻ & du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách và hàng hóa: Hoạt động vận tải trong nước tháng 5/2020 có dấu hiệu phục hồi sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm giãn cách xã hội. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng hành khách vận chuyển giảm 27,5% và hàng hóa vận chuyển giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế: Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Năm chỉ đạt 22,7 nghìn lượt người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

 

 

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 05 - NĂM 2020

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.37831 sec| 970.445 kb