BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 12 & 12 THÁNG NĂM 2018

07/01/2019
anhpnh

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

 

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 12 & 12 THÁNG NĂM 2018

 

 

TỔNG KẾT NHỮNG TIÊU ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý VỀ KINH TẾ VĨ MÔ 12 THÁNG NĂM 2018.

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của nền kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Nhiều kỷ lục mới được thiết lập như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất, nhập khẩu, xuất siêu, nguồn vốn FDI, dữ trữ ngoại hối, lượt khách quốc tế…

 

Điểm sáng kinh tế 12 tháng năm 2018:

 

- Tốc độ tăng trưởng GDP: GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra. Quy mô nền kinh tế năm 2018 theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

- Vốn đầu tư: Nhìn chung cả năm 2018, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Tính chung cả năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước và bằng 33,5% GDP.

- Về FDI: Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.

- Dự trữ ngoại hối: Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng hơn 3,3 lần so với cách đây 3 năm, khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới.

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung cả năm 2018, ước tính tăng 10,2% so với năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%; quý IV tăng 9,4%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012-2016.

- Về tiêu dùng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 ước tính đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước (năm 2017 tăng 11%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (năm 2017 tăng 9,3%).

- Xuất siêu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xác lập kỷ lục mới, đạt 482,23 tỷ USD, xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

- Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI): Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đạt 53,8 điểm trong tháng 12/2018. Với điểm số này, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PMI khu vực ASEAN, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

- Doanh nghiệp: Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.

- Khách quốc tế: Cả năm 2018, vận tải hành khách đạt 4.641,5 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với năm trước và 207,1tỷ lượt khách.km, tăng 10,9%. Năm 2018, Việt Nam đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế - con số lớn nhất từ trước đến nay.

 

Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt áp lực lên lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động vốn, tỷ giá, lạm phát...

 

- Tốc độ tăng giá CPI: CPI quý IV/2018 tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với quý IV/2017. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017. Tốc độ tăng CPI vẫn nằm trong biên độ cho phép, dưới mục tiêu 4% do Quốc hội đề ra.

- Lạm phát cơ bản: Lạm phát cơ bản tháng 12/2018 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2018 tăng 1,48% so với bình quân năm 2017.

- Tỷ giá: Ngày làm việc cuối của năm 2018, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.825 đồng/USD, tăng 0,32% so với tháng trước. Tính ra, tỉ giá trung tâm đã tăng 1,87% so với cuối năm ngoái. Tính ra, tỷ giá giao dịch thực tế đã tăng 2,18% so với đầu năm.

- Lãi suất: Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất trên thị trường tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%). Lãi suất có xu hướng tăng chủ yếu do: Kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019 như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II.

- Doanh nghiệp: Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước, trong đó 14.880 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,2% và tăng 34,2%.

 

KẾT LUẬN:

Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất 11 năm qua, vượt mục tiêu 6,7% của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát thành công ở mức 3,54% - dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra đầu năm là 4%. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế năm 2018 không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho năm 2018 là 13,3%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18,17% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 11 năm.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhưng chúng ta cũng cần quan tâm chú ý đến những vấn đề về lãi suất, tỷ giá và lạm phát trong năm 2019.

Lãi suất: Mỹ sẽ tiếp tục quá trình tăng lãi suất đến hết năm 2019, sau khi đã có 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018. EU chấm dứt gói nới lỏng định lượng vào cuối 2018 và bắt đầu nâng lãi suất vào giữa năm 2019. Hai động thái trên khiến xu hướng dòng tiền rẻ đổ vào các thị trường tài sản toàn cầu sẽ không còn. Khi đồng USD tăng giá sẽ có xu hướng dịch chuyển của nguồn vốn rút khỏi thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Áp lực tăng lãi suất sẽ tăng cao trên toàn cầu. Đồng USD và Euro tăng giá khiến sức ép lên các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam tăng lên. Các Ngân hàng trung ương của các quốc gia này sẽ phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ và Việt Nam sẽ có xu hướng tăng lãi suất trong năm 2019, khi đó sẽ tác động tiêu cực đến TTCK nội.

Tỷ giá: Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), thì tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm trong bối cảnh chỉ số USD index đã tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 2/2018. So với các quốc gia khác thì việc mất giá của VND so với USD là khá nhỏ, như đồng rupee của Ấn Độ đã giảm khoảng 14%, đồng real của Brazil giảm giá hơn 11% so với đầu năm. Nếu tính từ thời điểm tháng 3 khi Mỹ phát động cuộc chiến thương mại thì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá gần 10%, đồng euro gần 9%, đồng yên Nhật hơn 7%, đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc cũng mất giá từ 4-6%. Vì vậy, tỷ giá theo chúng tôi không phải vấn đề lớn đối với Việt Nam dù đồng Việt Nam giảm giá nhẹ so với USD trong thời gian gần đây.

Lạm phát: Trong ba năm qua, đặc biệt là năm 2018, Việt Nam vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4%, bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm, về tỷ giá.. diễn ra đồng thời. Việc ngân hàng chưa phải điều chỉnh tăng lãi suất cho thấy mức lạm phát vẫn đang nằm trong tình trạng kiểm soát. Với mục tiêu, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…thì chúng tôi nhận thấy năm 2019 lạm phát của Việt Nam cũng không vượt quá mức 4%. Hơn nữa với việc giá dầu thế giới đang ở mức thấp (dầu WTI: 45$/thùng), và dự đoán trong năm 2019 cũng khó vượt quá mức đỉnh (76$/thùng trong năm 2018) đang ủng hộ cho tốc độ tăng giá CPI có phần giảm nhiệt đi đáng kể trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những nhân tố kìm hãm đà tăng CPI trong năm 2019.

 

Tổng kết lại: Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang xu hướng tích cực và xác suất cao trong năm 2019 sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật như năm 2018.

 

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 12 & 12 THÁNG NĂM 2018

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.47897 sec| 987.188 kb