Đồng thời, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP...
Đây là chỉ tiêu đáng chú ý tại Nghị quyết số 54/NQ-CP do Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành ngày 12/4 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Hướng tới phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.
Đồng thời tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Mục tiêu đến năm 2025, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực...
NHỮNG CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng về ngân sách nhà nước, tài chính, tín dụng... cụ thể đối với nền kinh tế tới năm 2025.
Về ngân sách - đầu tư, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 05 năm khoảng 32 - 34% GDP; Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế.
Đối với các tổ chức tín dụng, Chính phủ đặt mục tiêu nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%.
Cùng với đó từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững, trong đó thiết lập, vận hành có hiệu quả Sàn giao dịch nợ nhằm thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu. Trong đó Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là trung tâm của thị trường.
Đồng thời yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.
Về thị trường cổ phiếu, trái phiếu, Chính phủ đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%. Tới 2025, tối thiểu có 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.
Chính phủ đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đạt khoảng 20%; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
bizlive.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm