Chính phủ sẽ tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2023

17/01/2023
huyennt
Đồng thời, Chính phủ cũng rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp...

Đồng thời, Chính phủ cũng rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nghị quyết nêu rõ dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm.   

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.   

Theo đó, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2023.

Với chính sách tiền tệ, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống.

Chính phủ yêu cầu chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.

Đáng chú ý, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.

Tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, rà soát xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, cho vay  không đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả (Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...) đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.

Ngoài ra, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%.   Công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ.

Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh... 

Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, tăng cường phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

0 bình luận, đánh giá về Chính phủ sẽ tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2023

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.46150 sec| 971.617 kb