Chứng quyền có bảo đảm: Hiểu để nắm bắt cơ hội

13/04/2018
vncs
Hiện có 5 công ty chứng khoán được phép là tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm (CW) gồm SSI, HCM, VND, VCI, MBS. Báo Đầu tư Chứng khoán giới thiệu bài viết của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) về một số vấn đề liên quan đến CW đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Hiện có 5 công ty chứng khoán được phép là tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm (CW) gồm SSI, HCM, VND, VCI, MBS. Báo Đầu tư Chứng khoán giới thiệu bài viết của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) về một số vấn đề liên quan đến CW đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Thứ nhất, giả sử có nhiều công ty chứng khoán cùng nộp hồ sơ phát hành CW đối với 1 cổ phiếu cơ sở với thời gian đáo hạn giống nhau nhưng có các mức giá khác nhau, giá thực hiện khác nhau. Làm thế nào để nhà đầu tư tiếp cận các thông tin này nhằm đợi mua của công ty phát hành CW có giá tốt nhất?

Căn cứ Điều 4.11 Thông tư 107/2016/TT-BTC về việc hướng dẫn chào bán và giao dịch CW, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận chào bán CW, tổ chức phát hành (TCPH) phải công bố Bản cáo bạch và Bản thông báo phát hành (bao gồm các thông tin về chứng khoán cơ sở, giá chào bán CW, giá thực hiện, thời gian đáo hạn....) trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán và của TCPH. Do đó, nhà đầu tư có thể theo dõi thông tin về CW trên các trang thông tin trên.

Thứ hai, nếu tổng nhu cầu phát hành CW đối với 1 cổ phiếu cơ sở cao hơn tổng hạn mức chào bán thì thứ tự ưu tiên được phép phát hành như thế nào?

Căn cứ Điều 4.1 Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro đối với CW của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) được ban hành theo Quyết định 72/QĐ-UBCK ngày 18/1/2018, trường hợp có nhiều hồ sơ cùng đăng ký phát hành trên một chứng khoán cơ sở dẫn đến vượt hạn mức còn được phép chào bán đối với từng chứng khoán cơ sở, UBCK sẽ chấp thuận cho TCPH có hồ sơ đăng ký hợp lệ trước được phép phát hành trước.

Thứ ba, sau khi nhà đầu tư mua CW, bao lâu thì CW được niêm yết?

Căn cứ Điều 6.2 Thông tư 107/2016/TT-BTC, TCPH thực hiện phân phối CW cho nhà đầu tư trong thời gian là 15 ngày, tuy nhiên thời hạn phân phối cụ thể sẽ do TCPH quyết định. Sau khi TCPH hoàn thành việc phân phối CW, trong vòng 7 ngày làm việc tiếp theo, CW sẽ được niêm yết và giao dịch chính thức tại HOSE.

ảnh 1

Thứ tư, khi giá chứng khoán cơ sở bị điều chỉnh do trả cổ tức, thưởng cổ phiếu thì giá tham chiếu của CW được điều chỉnh như thế nào?

Căn cứ Điều 9 Quy chế niêm yết và công bố thông tin đối với CW có bảo đảm của HOSE ban hành theo Quyết định số 69/QĐ-SGDHCM ngày 2/3/2018, khi giá chứng khoán cơ sở bị điều chỉnh do xảy ra các sự kiện doanh nghiệp, giá tham chiếu của CW vẫn giữ nguyên, đồng thời TCPH sẽ thực hiện điều chỉnh giá thực hiện quyền và tỷ lệ chuyển đổi và công bố thông tin theo quy định của Sở.

Thứ năm, TCPH có trách nhiệm thực hiện hoạt động tạo lập thị trường để tạo thanh khoản cho CW. Vậy quy định về nguồn CW và nguồn tiền để tạo thanh khoản cũng như mức giá, khối lượng đặt mua/bán cụ thể ra sao?

Theo Điều 11 Thông tư 107/2016/TT-BTC, tạo lập thị trường là nghĩa vụ bắt buộc của TCPH và TCPH sẽ sử dụng CW trong tài khoản tự doanh để thực hiện các giao dịch tạo lập thị trường theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán. Nguồn CW để tạo lập thị trường là từ CW phát hành và được chuyển vào tài khoản tạo lập thị trường.

Khối lượng đặt mua/bán CW khi thực hiện tạo lập thị trường được quy định tại Điều 6 Quy chế hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro của TCPH chứng quyền có bảo đảm ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-SGDHCM ngày 2/03/2018. Cụ thể, khối lượng đặt mỗi lệnh tối thiểu là 100 CW và thời gian tồn tại của lệnh trên hệ thống giao dịch tối thiểu là 1 phút.

TCPH được miễn trừ hoạt động tạo lập thị trường trong một số trường hợp như dư mua trần, dư bán sàn CW hoặc chứng khoán cơ sở, hoặc chưa có CW nào được lưu hành…

Thứ sáu, TCPH phải đảm bảo có đủ số lượng chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro cho CW đang lưu hành. “Đủ số lượng” được tính toán như thế nào? Thời gian nắm giữ ra sao?

Căn cứ Điều 12 Thông tư 107/2016/TT-BTC, TCPH phải đảm bảo có đủ số lượng chứng khoán cơ sở thực có trên tài khoản tự doanh để phòng ngừa rủi ro cho CW đang lưu hành (vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế) so với số lượng chứng khoán cơ sở lý thuyết được tính toán theo phương án phòng ngừa rủi ro TCPH đã báo cáo UBCK khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán (vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết).

Hằng ngày, Sở giao dịch sẽ thực hiện giám sát hoạt động phòng ngừa rủi ro của TCPH thông qua báo cáo hoạt động phòng ngừa rủi ro của TCPH về vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế và vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết.

Khi TCPH không thực hiện nghĩa vụ, tùy theo mức độ mà Sở sẽ xử lý như yêu cầu giải trình, nộp tiền tương ứng với phần chênh lệch, cảnh báo trên toàn thị trường, tạm ngừng giao dịch và hủy niêm yết CW.

Thứ bảy, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu CW. Với chứng quyền mua có phương thức thanh toán bằng chuyển giao chứng khoán cơ sở, quy định này có thể dẫn đến tỷ lệ sở hữu tối đa chứng khoán cơ sở của khối ngoại vượt “room” cho phép, trường hợp này xử lý như thế nào?

Theo Điều 14.2 Thông tư 107/2016/TT-BTC, đối với việc thực hiện CW theo hình thức chuyển giao chứng khoán cơ sở cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn tới vượt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của chứng khoán cơ sở, TCPH phải thanh toán bằng tiền đối với phần vượt ngưỡng sở hữu.

Tuy nhiên, Điều 2 Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro đối với CW của UBCK quy định, khi CW đáo hạn sẽ được thực hiện thanh toán bằng tiền, chưa áp dụng phương thức chuyển giao chứng khoán cơ sở.

Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM
0 bình luận, đánh giá về Chứng quyền có bảo đảm: Hiểu để nắm bắt cơ hội

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.37356 sec| 959.305 kb