Chuyên gia: Kinh tế 4 tháng khởi sắc nhưng cả năm vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn

09/05/2022
huyennt
Việc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các quốc gia, đặc biệt là Mỹ thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát sẽ khiến dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế của Việt Nam bị thu hẹp hơn. Chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2023, bằng cách mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao và ưu tiên cho tăng trưởng. Chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Việc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các quốc gia, đặc biệt là Mỹ thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát sẽ khiến dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế của Việt Nam bị thu hẹp hơn.
Chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2023, bằng cách mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao và ưu tiên cho tăng trưởng.
Chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Phân tích về kết quả kinh tế 4 tháng vừa qua, Tổng cục Thống kê nhận định tháng 4 và 4 tháng đầu năm kinh tế tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Việc triển khai các chính sách của Nghị quyết số 11/2022 về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 đã tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội cả nước.

Tháng 4, nhiều hoạt động có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước, doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 65,45 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 15.000. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy sự tin tưởng và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều yếu tố thách thức tăng trưởng kinh tế năm nay

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn.

Trước tiên, dịch Covid-19 với chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa, theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp nữa, việc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ, do lo ngại lạm phát, tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo đó, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế của Việt Nam sẽ bị thu hẹp hơn.

Thêm nữa, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng “nóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán; dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất và đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính; hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng... Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Chuyên gia Tô Trung Thành còn nhận định rằng kinh tế năm nay có khả năng cao đạt được mục tiêu tăng 6,5% nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ thì rất thách thức. Xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu... cộng thêm chiến tranh Nga - Ukraine leo thang đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát.

Diễn biến giá dầu tăng cao những tháng đầu năm nay đặt ra thêm những thách thức lớn đối với nền kinh tế. Tính đến ngày 11/3 vừa qua, trung bình giá xăng dầu đã tăng hơn 45% so năm năm 2021, và nếu theo dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giá xăng dầu cũng đã tăng 41%. Sử dụng bảng cân đối liên ngành I/O, nếu giá xăng dầu tăng hơn 45%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và làm chỉ số này tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%, và ở chu kỳ sản xuất tiếp theo, GDP có thể giảm khoảng 8%.

Chính sách tài khoá phải là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất

Trong bối cảnh vừa nêu, chuyên gia Tô Trung Thành khuyến nghị Chính phủ quán triệt 3 quan điểm cơ bản sau khi đưa ra các chính sách.

Trước tiên, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”.

Tiếp nữa, để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

 

Khuyến nghị cụ thể về việc chính sách tài khoá và tiền tệ trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, chuyên gia Tô Trung Thành cho rằng chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Theo đó, Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới. Nghĩa là cần theo đuổi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2023 bằng cách mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Hiệu quả chi tiêu công sẽ là nhân tố quyết định bền vững nợ công. Với lý do này, các khuyến nghị chính sách tập trung vào cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia Tô Trung Thành cho rằng cần hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn. Chương trình hỗ trợ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi dịch Covid-19. Chính sách hỗ trợ tài khóa mở rộng cần hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Vì vậy, cần thay thế các loại thuế dựa trên thu nhập và ưu tiên để giảm chi phí như giảm thuế GTGT ở mức cao hơn và bao phủ nhiều đối tương hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ về chi phí cho doanh nghiệp cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Liên quan đến an sinh xã hội, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức. Cần đơn giản hóa và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp.

Về chi tiêu đầu tư công, chuyên gia khuyến nghị tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đi kèm với thúc đẩy đầu tư công là xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo việc giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát và tham nhũng.

Đồng tình về quan điểm chính sách tài khoá vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng cũng cho rằng gói đầu tư công khi được giải ngân sẽ mang lại ứng tốt. Gói đầu tư công là gói tài khóa khá quan trọng trong chương trình, được kỳ vọng có thể mang lại hiệu ứng tốt, kích thích tăng trưởng kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn từ đầu tư công từ Chương trình vẫn chưa được triển khai do một số vấn đề về thủ tục phê duyệt dự án và bố trí nguồn lực.

ndh.vn

0 bình luận, đánh giá về Chuyên gia: Kinh tế 4 tháng khởi sắc nhưng cả năm vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.44656 sec| 990.516 kb