Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt

14/09/2022
huyennt
Đó là nhận định chung của các định chế tài chính lớn của thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi nhanh trong khi giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới còn những biến động và khó khăn.

Đó là nhận định chung của các định chế tài chính lớn của thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi nhanh trong khi giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới còn những biến động và khó khăn.

Sự phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch

Sự phục hồi đầy ấn tượng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cùng đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học trong nước đã chia sẻ những nhận định, đánh giá cũng như đưa ra các khuyến nghị, giải pháp trong Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay diễn ra ngày 12-9. Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao tính tự cường và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; công tác quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo các cân đối lớn; công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam; quá trình thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch...

Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Phainchaud nhận định, kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất tốt. Theo vị đứng đầu cơ quan đại diện của IMF, các chính sách liên quan phòng chống đại dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính. “Đây là công việc khó khăn nhưng Việt Nam đã làm rất tốt” - ông Francois Phainchaud đánh giá.

Trưởng Văn phòng đại diện IMF bày tỏ ấn tượng về sự phục hồi nhanh của Việt Nam trong bối cảnh có nhiều yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng như rủi ro về lạm phát, khó khăn, khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Francois Phainchaud, Việt Nam vẫn đang phục hồi rất tốt, gỡ bỏ cơ bản các hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 đi đôi với nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch, đầu tư.

Chính vì thế, Trưởng Văn phòng đại diện IMF cho biết, định chế tài chính này đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 này. Ông Francois Phainchaud nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà IMF tăng dự báo tăng trưởng GDP. Năm 2023, IMF giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, song đây vẫn là mức tăng trưởng rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.

Cùng chung nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế nước ta, Nhà Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Copppla cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. Theo ông Andrea Copppla, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II và quý III rất tốt, trong đó ngành công nghiệp đã có tăng trưởng vượt bậc.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế được công bố 6 tháng một lần đưa ra tháng 8 vừa qua, WB cũng đánh giá, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua nhờ khu vực chế tạo, chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, trong khi lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% cùng năm.

Hãng Bloomberg trước đó đã nhận định, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 vì tăng trưởng quý II tốt hơn dự kiến cho thấy sự phục hồi trên diện rộng của cường quốc xuất khẩu tại Đông Nam Á này. Theo hãng tin kinh tế hàng đầu thế giới Bloomberg, tăng trưởng cao đạt được đồng thời với việc Việt Nam nổi lên như một trong những điểm đến cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương mại, chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở khu vực, cuộc xung đột ở Ukraina và căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ứng phó và vượt qua các thách thức, rủi ro

Đại diện các định chế, tổ chức quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong tiến trình phát triển, đồng thời cũng đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng về các chính sách kinh tế, xã hội đối với Việt Nam trong thời gian tới. Nhà Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Andrea Copppla cho rằng, các xu hướng tác động như tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế trong nội địa.

Theo ông Andrea Copppla, yếu tố lạm phát, đặc biệt do xuất phát từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao, sẽ làm cho chi phí về sản xuất, chi phí lao động cũng bị ảnh hưởng và kéo theo những tác động. Trưởng Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Phainchaud cũng đề cập tới các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam như rủi ro về lạm phát và khủng hoảng kinh tế mà nhiều nơi trên thế giới đang phải ứng phó.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries cũng cho rằng, ngoài các vấn đề như lạm phát đang tăng cao tại Mỹ và châu Âu, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với sự phát triển chậm của kinh tế thế giới trong năm 2022. Cùng với đó, theo ông Andrew Jeffries, thế giới và khu vực còn phải đối diện với những cú sốc, tác động của đại dịch Covid-19, khủng hoảng y tế… cũng như những chính sách liên quan đến xử lý nợ công.

Do vậy, trong khuyến nghị đưa ra, Trưởng Văn phòng Đại diện IMF đã nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Francois Phainchaud, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng ổn định tỷ giá này giúp sản xuất trong nước nhưng cũng cần triển khai chính sách về tài khóa hỗ trợ chính sách tiền tệ và phục hồi kinh tế, hướng tới mục tiêu cụ thể và trên diện rộng để không đi ngược lại chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đang tăng khá nhanh và GDP tăng rất cao, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn, đi đôi với đó cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng khác.

Nhà Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, cần bảo đảm vững chắc sự tự cường của nền tài chính quốc gia và phải xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế để tất cả những ngân hàng đều phải tuân thủ đối với việc xử lý nợ xấu. Vị đại diện của WB cũng khuyến nghị, cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn.

Đại diện các định chế tài chính quốc tế tin tưởng, nhận diện xử lý đúng đắn các thách thức, rủi ro, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Giám đốc ADB tại Việt Nam khuyến nghị, để có thể duy trì được sự tăng trưởng nhanh, đảm bảo sự phục hồi, Việt Nam cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt là tăng cường tính minh bạch, tạo sự công bằng giữa các chủ thể của nền kinh tế, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

baomoi

0 bình luận, đánh giá về Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.42809 sec| 981.328 kb