Người dân Mỹ đã trả giá cao hơn rất nhiều cho các loại hàng hóa trong tháng 6/2022, khi lạm phát tiếp tục kìm hãm nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tháng 6 khó khăn với người tiêu dùng
Ngày 13/7, Cục Thống kê lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn tháng trước (8,6%) và bỏ xa dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Refinitiv (8,8%). Đây cũng là mức lạm phát cao nhất được ghi nhận tại nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ tháng 11/1981.
Phần lớn mức tăng trong tháng trước là do giá xăng. Người Mỹ ghi nhận giá xăng cao kỷ lục, trung bình là 5 USD/Gallon (tương đương 3,7 lít). Đầu tuần này, Nhà Trắng cũng dự báo, lạm phát tăng cao do tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Nếu trừ giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát cơ bản của Mỹ tăng 5,9% so với năm ngoái. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặc biệt chú ý đến số liệu này khi đánh giá xu hướng lạm phát.
Nhận định về chỉ số lạm phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, đây là mức "cao không thể chấp nhận được" nhưng nó "cũng đã lỗi thời" vì giá xăng đã giảm trong 30 ngày qua. Giá dầu thô hiện xuống dưới 100 USD/thùng.
Robert Frick, nhà kinh tế tại Navy Federal Credit Union cho biết: “Chỉ số CPI đã tạo ra một cú sốc. Mặc dù sự tăng vọt của CPI được dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực - những vấn đề đang nóng trên toàn cầu, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước vẫn tiếp tục tăng, từ nhà ở cho đến ô tô và cả giá quần áo".
Lạm phát tăng nóng có thể khiến Fed quyết liệt hơn với vấn đề tăng lãi suất.
Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay để hạ nhiệt nền kinh tế và ghìm giá cả. Fed được dự báo nâng lãi suất tham chiếu thêm ít nhất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng này.
Giá năng lượng đã tăng 7,5% trong tháng 6/2022 và tăng 41,6% trong 12 tháng qua.
Cũng trong tháng 6/2022, chỉ số giá lương thực tăng 1%, chi phí nhà ở - chiếm khoảng 1/3 CPI tăng 0,6%. Trong đó, chi phí thuê nhà đã tăng 0,8% - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/1986.
Cổ phiếu hầu hết lao dốc, ngược lại, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh.
Giá vé máy bay giảm 1,8% trong tháng 6/2022, tuy nhiên, vẫn tăng 34,1% so với một năm trước. Nhóm hàng thịt, gia cầm, cá và trứng cũng giảm 0,4% nhưng đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ cũng đánh dấu một tháng khó khăn đối với người tiêu dùng tại quốc gia này - những người đã phải trả giá cao cho tất cả mọi thứ.
Đối với người lao động, những con số trên đã xác nhận rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức. Lương tăng không theo kịp giá cả bởi chi phí cho các vật dụng thiết yếu hàng ngày đang tăng nhanh chóng.
Suy thoái nhẹ?
Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại bởi lo ngại lạm phát cao. Fed cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể xảy ra suy thoái vào cuối năm nay.
Ngày càng nhiều ngân hàng lớn dự đoán, suy thoái sẽ xảy ra trong năm nay hoặc năm sau.
Nhà kinh tế học Michael Gapen của Bank of America, ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại North Carolina (Mỹ) nhận định: "CPI tháng 6/2022 tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981 khiến tôi tin rằng, một cuộc suy thoái sẽ xảy ra".
Các chuyên gia của Bank of America cho hay, đây là cuộc suy thoái “nhẹ”. GDP của Mỹ sẽ giảm 1,4% trong năm 2022, trước khi tăng trở lại 1% vào năm 2023.
Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng từ mức thấp trong lịch sử là 3,6% hiện nay lên 4,6%. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh tháng 4/2020 là gần 15%.
Vào cuối năm 2023,, Bank of America dự đoán, Fed sẽ đảo ngược hướng đi và bắt đầu cắt giảm lãi suất sau một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn có thể trải qua một cuộc “hạ cánh nhẹ nhàng".
Goldman Sachs cho biết, nguy cơ suy thoái trong năm tới chỉ ở mức 30%.
Thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm"
Một cuộc khảo sát từ Ngân hàng dự trữ liên bang New York được công bố trong tuần này cho thấy, trong khi kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đánh dấu mức cao mới trong tháng 6/2022 thì kỳ vọng lạm phát về trung và dài hạn lại giảm.
Điều này cho thấy, người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có niềm tin rằng, Fed có thể kiểm soát tình hình lạm phát bằng cách tăng lãi suất và chấm dứt việc mua trái phiếu. Tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại, nhưng giá cả sẽ ổn định.
Bên cạnh đó, có một số lý do để tin rằng, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng 7/2022 sẽ hạ nhiệt.
Theo dữ liệu của Cơ quan thông tin năng lượng (EIA), giá xăng đã giảm từ mức đỉnh tháng 6/2022, hiện ghi nhận ở mức 4,64 USD/Gallon.
Chỉ số S&P GSCI - thước đo giá trên diện rộng của nhiều loại hàng hóa đã giảm 7,3% trong tháng 7/2022, mặc dù vẫn tăng 17,2% so với năm ngoái. Giá lúa mì đã giảm 8%, đậu tương giảm 6% và ngô giảm 6,6% trong cùng thời gian.
Brian Antonellis, Phó chủ tịch của Fleet Advantage, một công ty cho thuê và quản lý tài sản cho ngành vận tải đường bộ có trụ sở tại Florida (Mỹ) cho biết: “Tôi thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Ông Antonellis kỳ vọng, năng lực sản xuất sẽ tăng dần, tạo môi trường cạnh tranh hơn cho ngành vận tải đường bộ. Ngành công nghiệp này đã phải chịu sức ép do giá nhiên liệu tăng cao, thị trường lao động thắt chặt và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
baomoi
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm