Chiều 11/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tiếp ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về nhu cầu nhập khẩu nông sản và đầu tư vào phát triển nông nghiệp Việt của EU.
Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá chuyến thăm là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và thương mại, những lĩnh vực còn nhiều dư địa hợp tác.
Cao ủy Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của ông trên cương vị này và bày tỏ nhu cầu cao về nhập khẩu nông sản nhiệt đới từ Viêt Nam của EU. Bên cạnh đó, EU đang đầu tư một số dự án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Cao ủy Nông nghiệp EU cũng chia sẻ sự quan tâm đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, trong đó, nổi bật là thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Theo ông Janusz Wojciechowski, để giải quyết vấn đề này cần có sự góp sức của những người nông dân, đặc biệt là nông dân quy mô nhỏ. Theo ước tính của FAO, nông dân quy mô nhỏ trên toàn cầu chỉ sở hữu 12% diện tích đất canh tác nhưng chiếm tới 30% sản lượng lương thực trên toàn thế giới.
"Vì thế vai trò của nông dân sản xuất quy mô nhỏ là cực kỳ quan trọng đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là đất nước có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ. Vì vậy, Việt Nam và Eu có thể chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong lĩnh vực này"
Cao ủy Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski
Đồng thời, ông Janusz Wojciechowski bày tỏ ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong phát triển bền vững, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu và quan tâm nhiều tới an ninh lương thực toàn cầu.
Ghi nhận ý kiến của Cao ủy Nông nghiệp EU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Việt Nam cũng mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thương mại và đầu tư, thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư nông nghiệp xanh, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hoàn chỉnh. Nhất là trong bối cảnh thách thức do biến đổi khí hậu và nguy cơ về an ninh lương thực toàn cầu, nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp mới và cam kết cấp cao của Việt Nam tại COP 26.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị EU tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường EU. Và mong muốn Cao ủy Nông nghiệp EU kết nối các doanh nghiệp EU đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, tập trung vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản…
"Dư địa phát triển hợp tác nông nghiệp Việt Nam – EU còn rất lớn, cần đẩy mạnh hơn trong giai đoạn tới"
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành
Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng cũng thông tin về các nỗ lực "gỡ thẻ vàng IUU" của EC về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Theo đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong chống khai thác IUU và giải quyết tốt các kiến nghị của EU. Phó Thủ tướng đề nghị EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" cho Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Janusz Wojciechowski nhìn nhận Việt Nam có những bước đi mạnh mẽ, đạt những tiến bộ nhất định và vẫn cần thúc đẩy hơn nữa việc chống khai thác IUU. Ông cho biết, sẽ chia sẻ thông tin với cao ủy EU phụ trách lĩnh vực này.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, thương mại hai chiều đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo đó, năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Eu đạt gần 57 tỷ USD, tăng trưởng 15% so với năm 2020. Sang tới năm 2022, chỉ trong 5 tháng, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt gần 26,2 tỷ USD, tăng gần 14,4% so với cùng kỳ 2021.
baomoi
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm