Ngân sách nhà nước đảo chiều từ bội thu hơn 100 nghìn tỷ đồng, sang bội chi 315,8 nghìn tỷ chỉ sau 1 tháng cuối năm...
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 4 và năm 2021; trong đó, cập nhật thông tin về ước thu, chi ngân sách nhà nước trong trong năm 2021.
Cụ thể, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 13,4%, tương ứng 180,1 nghìn tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu được phục hồi trong trạng thái “bình thường mới” đã tác động tích cực làm thu ngân sách nhà nước vượt dự toán năm.
Thu nội địa bằng vượt dự toán 10,4%, tương đương 118 nghìn tỷ đồng. Thu từ dầu thô vượt dự toán lên tới 97,4%, tương ứng 22,6 nghìn tỷ đồng. Thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu vượt 22,1% khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng.
Về chi ngân sách, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước tính đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên bằng 102,3%. Chi đầu tư phát triển bằng 106,4% dự toán; chi trả nợ lãi bằng 96,2%.
Như vậy, ước tính ngân sách nhà nước năm 2021 bội chi khoảng 315,8 nghìn tỷ đồng.
Ước thu chi ngân sách nhà nước năm 2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Trước đó, ở kỳ thống kê liền kề vào cuối tháng 11, lũy kế ngân sách nhà nước đang có thặng dư khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 80 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 15/10/2021.
Chỉ sau hơn 1 tháng, ngân sách nhà nước đảo chiều từ bội thu hơn 100 nghìn tỷ đồng, sang bội chi khoảng 315,8 nghìn tỷ. Nguyên nhân chủ yếu do giữa hai kỳ báo cáo, thu ngân sách nhà nước chỉ tăng 210,5 tỷ trong khi chi ngân sách tăng đột biến 626,9 nghìn tỷ giai đoạn về đích, bằng 50% mức chi trong suốt 11 tháng đầu năm.
Theo Tổng cục Thống kê, chi ngân sách nhà nước trong năm được tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng, tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Bước sang năm 2022, Tổng cục Thống kê đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện nhiều nguy cơ và thách thức đan xen. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế, rủi ro lạm phát gia tăng, thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
vneconomy.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm