Nhiều bộ đề nghị mở cửa du lịch hoàn toàn, không cần thí điểm

26/01/2022
huyennt
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, chuyên gia hàng không, kinh tế... ''khẩn thiết" yêu cầu mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế ngay từ tháng 2.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, chuyên gia hàng không, kinh tế... ''khẩn thiết" yêu cầu mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế ngay từ tháng 2.


 

Chiều 24/1, trong hội thảo thống nhất lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, Phó cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh Việt Sơn ủng hộ việc mở cửa toàn bộ du lịch từ tháng 2. Ông cho biết lộ trình đón khách quốc tế khớp với kế hoạch ngành hàng không. Hiện nay, Việt Nam đã mở lại đường bay với 10 thị trường, 14 chuyến/tuần. Ngành hàng không đang đàm phán, thương thảo thêm với một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức...

Cũng đồng quan điểm nên mở cửa luôn từ tháng 2, ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines dùng từ "khẩn thiết". Ông nhận định du lịch nội địa đang có dấu hiệu khởi sắc và nhu cầu di chuyển tăng cao, có thể minh chứng qua việc sân bay Tân Sơn Nhất đã lâu không tắc nghẽn như bây giờ. Đại diện hãng hàng không cũng kiến nghị không cách ly du khách đến Việt Nam và cần có quy trình xử lý khi khách là F0.

"Việt Nam đã mở cửa tới 70% như khách thăm thân, hội nghị và chỉ còn lại ngành du lịch. Tất cả visa còn hạn cứ bay vào Việt Nam, không có khó khăn" là ý kiến của ông Trần Văn Dự, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh. Ông tán thành việc sớm mở cửa lại thị trường quốc tế.

Đóng cửa du lịch không giúp giảm lây lan dịch bệnh là luận điểm của tiến sĩ Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock. Bà cho rằng sẽ rất lãng phí nếu người dân Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 mà chỉ "ngồi yên". Nếu kéo dài việc này 2-3 năm nữa có thể xoá sổ ngành du lịch, vì vậy bà kỳ vọng du lịch sẽ chính thức mở cửa sớm hơn giai đoạn dự kiến 30/4 và không còn là thí điểm.

Tuy nhiên để mở cửa cũng cần quan tâm tới năng lực y tế quốc gia. Bà đề xuất khách du lịch đảm bảo đã tiêm vaccine Covid-19, có giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay. Khách đến thì nên được ứng xử như khách nội địa, chứ không cần cách ly. "Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh cao của miễn dịch cộng đồng, vì vậy cần tận dụng thời gian này để mở cửa", bà nhấn mạnh.

Cũng đồng ý với luận điểm của bà Thu Anh, song qua góc độ doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), khẳng định không mở cửa du lịch hoàn toàn là vô lý. Ông cho rằng vấn đề cốt lõi của phòng, chống dịch là bao phủ vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết, chứ không phải đóng cửa du lịch. Đặc biệt, ông cho rằng việc tiếp tục đóng cửa du lịch là đi ngược chính sách của Chính phủ về thích ứng an toàn để phát triển kinh tế.

Những luận điểm trên có thể minh chứng qua kết quả thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021. Việt Nam đã đón hơn 8.500 khách, chủ yếu từ Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada... Trong quá trình thí điểm ghi nhận 27 trường hợp dương tính Covid-19. Trong đó có một trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế, các trường hợp còn lại không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp trên được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, không lây lan ra cộng đồng hay ảnh hưởng tới phòng, chống dịch.

Quy định chặt chẽ khiến khách du lịch "ngại" vào Việt Nam là nhận định thực tế của cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch. Cụ thể theo thống kê của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, hơn 8.500 khách du lịch trong giai đoạn thí điểm 2 tháng vừa qua thì có tới 50% là người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài, người có vợ hoặc chồng người Việt chứ không hẳn hoàn toàn là nhu cầu du lịch.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch, chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ quy định chống dịch hiện hành như thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày. Vì vậy ông đề xuất giảm thiểu các quy định cách ly, thủ tục phức tạp. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành nên được tham gia đón khách và sự hỗ trợ tốt nhất là nới lỏng quy định đăng ký của họ.

Thực tế hiện nay, quy định phòng, chống dịch và hạn chế đi lại chưa có sự thống nhất từ cấp Trung ương tới địa phương. Theo ông Lương Thanh Quảng, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đây là điều khách du lịch quốc tế sợ nhất. Ông lý giải người nước ngoài du lịch Việt Nam có chuẩn bị từ rất sớm, nên chính sách nhất quán sẽ tạo sự yên tâm cho họ.

Các đại biểu trong hội thảo cũng cho rằng "không phải Việt Nam mở cửa là sẽ có khách", vì vậy đề xuất nhiều biện pháp. Cụ thể cho phép chương trình miễn thị thực của năm 2019 được áp dụng trở lại, chỉ quy định du khách có kết quả âm tính nCoV 72 giờ trước khi lên máy bay mà không phải cách ly. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên cho phép địa phương được chủ động lựa chọn doanh nghiệp tham gia đón khách và giảm bớt các quy định đăng ký khó khăn.

Tổng kết hội thảo với 14 phần phát biểu, trong đó đa phần ý kiến đồng tình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tổng hợp, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa lại thị trường quốc tế hoàn toàn và sớm công bố thời điểm rộng rãi.

Hiện nay Việt Nam có nhiều điểm mạnh để mở cửa du lịch như đường bay quốc tế được nối trở lại, tỷ lệ tiêm vaccine đứng thứ 6 toàn thế giới và dự kiến đến 30/3 sẽ tiêm đủ mũi thứ 3 cho toàn dân. Du lịch nội địa có thể là cứu cánh, song doanh thu chủ yếu đến từ thị trường quốc tế, do đó việc mở cửa làm sống lại "hơi thở" ngành du lịch, là mong muốn của hàng nghìn doanh nghiệp.

vnexpress.net

 
 
0 bình luận, đánh giá về Nhiều bộ đề nghị mở cửa du lịch hoàn toàn, không cần thí điểm

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.38937 sec| 969 kb