VASEP cho rằng năm 2023 lạm phát sẽ ngấm sâu vào nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp thủy sản có thể gia tăng xuất khẩu vào một số thị trường có nền kinh tế ổn định như Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) lạm phát ngấm sâu vào nền kinh tế các nước khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản trong quý I/2023 dự kiến sẽ đi xuống so với quý IV/2022 và cùng kỳ.
Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP.
Đặc biệt là, việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này.
Sức tiêu thụ của một đất nước 1,5 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách Zero – COVID. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
VASEP cho rằng ở thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vốn sản xuất và các điều kiện, để khi thị trường ổn định và hồi phục thì có thể nhanh chóng gia tăng xuất khẩu, giành thị phần trước các đối thủ khác cũng đang khá mạnh như Ecuador, Ấn Độ trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.
Nhìn lại năm 2022, ngành thủy sản đạt được nhiều kỷ lục ở cả con số lẫn thị trường. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, trong đó ngành tôm đóng góp 4,3 tỷ USD, cá tra mang về 2,4 tỷ USD, cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD.
Không chỉ kỷ lục của các ngành hàng mà thủy sản xuất khẩu còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ sẽ về đích với hơn 2,1 tỷ USD.
Thị trường Trung Quốc và Hong Kong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, tăng 57% so với năm 2021. Năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam.
Đứng ngay sau Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản cũng đạt mức 1,8 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2021, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Xét theo khối thị trường, xuất khẩu thủy sản sang CPTPP năm 2022 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2021, chiếm hơn 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. VASEP nhận định lợi thế về thuế quan tại các nước trong khối này đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả, khi mà lạm phát làm giảm sức tiêu thụ và tăng áp lực cạnh tranh trên nhiều thị trường.
Tương tự, các nước ASEAN cũng là điểm đến tiềm năng và thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản trong năm nay với mức tăng trưởng 27%, dự kiến mang về doanh số 767 triệu USD, chiếm 7% xuất khẩu của cả nước. Lợi thế về vị trí địa lý và sự ổn định kinh tế của khu vực này là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khủa trong năm 2022.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản sang EU cũng dự kiến sẽ mang về kim ngạch 1,3 tỷ USD, kết quả ấn tượng so với lịch sử.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm