Chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức giá hấp dẫn với mức P/E dự phóng 11,5 lần khi so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là trên 20% cho năm nay, và so với P/E dự phóng trung bình 16,3 lần đối với các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN.
VinaCapital cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế sau Covid sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự báo, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của tiêu thụ nội địa và lượt khách du lịch nước ngoài.
Theo báo cáo mới nhất của VinaCapital, các nỗ lực đổi mới của Chính phủ nhằm tăng cường quản lý giám sát thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam bước đầu đã gây ra việc bán tháo trên thị trường chứng khoán vào tháng 4 và trong nửa đầu tháng 5. Tuy nhiên, một số thay đổi về mặt nhân sự cấp cao tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) được công bố vào ngày 20/5 đã giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rộng hơn về động thái chống tham nhũng gần đây.
Ngoài ra, có những lo ngại rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ cắt giảm dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản. Đây là một yếu tố đặc thù của Việt Nam sẽ tác động đến thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, mục tiêu của NHNN là theo dõi tình hình thị trường sát sao chứ không định cắt giảm dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các công ty bất động sản giảm mạnh trong tháng 4, nhưng mức tăng trưởng cho vay ngân hàng trong lĩnh vực này có thể đã vượt xa mức tăng trưởng tín dụng tổng thể so với đầu năm. Cùng với đó, doanh số pre-sales của các chủ đầu tư hiện đang ở mức cao, hạn chế nhu cầu vay tiền của các cá nhân này.
VN-Index hồi phục 12% kể từ khi chạm đáy ngày 16/5. Điều này được thúc đẩy bởi diễn biến tích cực tại Việt Nam và tâm lý bi quan trên thị trường chứng khoán giảm bớt trong vài tuần qua. Cụ thể, kỳ vọng về khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất đã thúc đẩy thị trường toàn cầu, trong khi việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế Covid đã có tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, một vài lo ngại cụ thể đã làm ảnh hưởng đến VN-Index trong tháng 5 đã được giảm bớt.
VinaCapital đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong tháng 5. Bên cạnh đó, chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức giá hấp dẫn với mức P/E dự phóng 11,5 lần khi so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là trên 20% cho năm nay, và so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,3 lần đối với các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN.
Thậm chí khi thị trường bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 150 triệu USD cổ phiếu trong tháng 5 (gồm cả dòng vốn nước ngoài đổ vào các quỹ ETF trị giá khoảng 125 triệu USD) sau khi đã bán khỏa 290 triệu USD trong quý I.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tháng 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 33% so với tháng trước, cho thấy các nhà đầu tư cá nhân không hoang mang khi thị trường sụt giảm mà bán ra cổ phiếu đang nắm giữ. VinaCapital nhận định, lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xuất phát từ sự tăng trưởng lợi nhuận vượt trội của Việt Nam trong quý I, cao hơn 33% so với cùng kỳ. Điều này sẽ thúc đẩy đà tăng mạnh hơn của VN-Index vào cuối năm này, dù trong 2-3 tháng tới có thể sẽ xảy ra nhiều biến động.
Kinh tế trưởng Michael Kokalari nhận định sự biến động này đi cùng với sự phân hóa về hiệu suất giữa cổ phiếu và các ngành nghề trên thị trường.
Diễn biến tích cực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam
VinaCapital cho rằng có 4 diễn biến đang hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong nước, bao gồm làn sóng bán giải chấp margin đã kết thúc; Chính phủ công bố hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các loại hình kinh doanh khác; phát triển kinh tế có diễn biến tích cực – bao gồm mức tăng kỷ lục của doanh thu ngành bán lẻ trong tháng 5; và các sự kiện kinh tế toàn cầu hiện tại mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
Giải ngân FDI trong 5 tháng đầu năm tăng 8% so với cùng kỳ lên 7,7 triệu USD, được thúc đẩy bởi các diễn biến ở Trung Quốc và sự mở cửa trở lại của các chuyến bay thương mại đến Việt Nam.
VinaCapital cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế sau Covid sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn dự báo, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của tiêu thụ nội địa và lượt khách du lịch nước ngoài. VinaCapital ước tính sự tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5%, nhưng có khả năng đạt mức cao hơn, và có một số dự báo cho rằng tăng trưởng GDP đạt mức 9%.
Đơn vị đánh giá doanh thu bán lẻ Việt Nam đã tăng đáng kể trong năm nay. Sản lượng ngành sản xuất 5 tháng đầu năm đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng trưởng mà VinaCapital đã dự báo. Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng từ 51,7 điểm trong tháng 4, lên 54,7 điểm trong tháng 5 bởi sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới. Đây là mức tăng trưởng một tháng lớn nhất sau hơn một năm.
Ông Michael Kokalari ước tính rằng số dư ký quỹ đang lưu hành đã giảm khoảng 30%, loại bỏ áp lực bán tháo mạnh nhất trong tháng 5, và mở đường cho thị trường phục hồi mạnh mẽ hơn. Chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng đạt trên 20% về tăng trưởng lợi nhuận, mặc dù đơn vị cho rằng lợi nhuận của các công ty trong quỹ của VinaCapital sẽ tăng trên 35%. Điều này giúp giải thích tại sao những cổ phiếu đó đang giao dịch với mức P/E thấp hơn so với thị trường tổng thể.
ndh.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm