Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/3 đạt 8,91 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm.
Vốn FDI giải ngân 3 tháng đầu năm ước đạt 4,42 tỷ USD, mức cao nhất của quý I trong 5 năm trở lại đây.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm đến 20/3 đạt 8,91 tỷ USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm.
Trong số đó, số dự án đăng ký cấp mới đạt 3,21 tỷ USD tăng gần 38% về số dự án nhưng lại giảm gần 56% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép vốn FDI mới lớn nhất, với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm hơn 68% tổng vốn đăng ký cấp mới của quý I.
Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đạt 1,32 tỷ USD, chiếm hơn 41% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Vốn đăng ký điều chỉnh trong quý I vừa qua là 228 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước), với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng hơn 93% so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn FDI đăng ký góp vốn, mua cổ phần ghi nhận 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 triệu USD, tăng gần 103% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp chiếm gần một nửa với giá trị hơn 819 triệu USD.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, số vốn FDI giải ngân ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số giải ngân vừa nêu là mức cao nhất của quý I trong 5 năm trở lại đây.
Trong số đó, số vốn FDI giải ngân vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm gần 78% tổng vốn FDI thực hiện. Tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa; hoạt động kinh doanh bất động sản.
Lý giải về việc tổng vốn FDI đăng ký cấp mới giảm tháng thứ 2 liên tiếp, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết do cùng kỳ năm ngoái Việt Nam ghi nhận việc đăng ký đầu tư cấp mới của 2 dự án (Ô Môn I, II với tổng giá trị hơn 4,41 tỷ USD) lớn hơn so với quý I năm nay. Nếu loại trừ đi yếu tố đột biến là 2 dự án này, tổng vốn FDI cấp mới quý I/2022 vẫn tăng hơn 14%, cho thấy xu hướng phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và khu vực FDI nói riêng.
Trong báo cáo vừa công bố về tình hình thu hút FDI tháng 3 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng vốn FDI đầu tư đăng ký mới giảm khá mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư trong 3 tháng, song số lượng dự án đầu tư mới vẫn tiếp tục tăng (37,6%). Dù có những tác động bất lợi từ dịch Covid-19, các nhà đầu tư FDI vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu.
Dự báo về triển vọng thu hút FDI năm nay, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới vẫn là “bến đỗ" lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thắng, Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và nâng cao chất lượng quản lý FDI theo hướng xây dựng Chính phủ số, đảm bảo cho việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra đối với đầu tư nước ngoài trong năm 2022 cũng như giai đoạn đến năm 2025, 2030 mà Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030, đã nêu.
Kết quả thu hút FDI 2 tháng đầu của năm nay được ông Thắng nhận định là khá ấn tượng khi mức vốn thực hiện đạt 2,69 tỷ USD, tăng hơn 7% so cùng kỳ 2021.
Bên cạnh đó, số lượng dự án đầu tư mới tăng 45% cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 của Chính phủ.
Ngoài ra, một số dự án quy mô lớn đang đầu tư vào những lĩnh vực đã tăng vốn, mở rộng sản xuất một lần nữa cho thấy sự tin tưởng cao vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Đơn cử như dự án công ty TNHH Samsung Electronic-mechanics (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn thêm 920 triệu USD tại tỉnh Thái Nguyên; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn thêm gần 941 tiệu USD; dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các ấn phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh.
ndh.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm