TẢI VỀ BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 12/07/2018
PHỤC HỒI TRONG NỖI LO THANH KHOẢN SUY KIỆT
Tổng hợp: Sau phiên giảm mạnh hôm qua, thị trường đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, thị trường hồi phục đi kèm với thanh khoản sụt giảm đem lại sự lo lắng nhiều hơn là niềm vui cho nhà đầu tư. Kết phiên giao dịch, Vn-Index tăng 5,35 điểm (0,6%) lên 898,51 điểm với khối lượng giao dịch đạt 113,78 triệu CP, trị giá 2.384,56 tỷ đồng; Hnx-Index tăng 1,91 điểm (1,94%) lên 100,43 điểm với khối lượng giao dịch đạt 25,77 triệu CP, trị giá 380,4 tỷ đồng.
Thanh khoản: Thanh khoản là điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay khi lại sụt giảm rất mạnh. Tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn niêm yết chỉ đạt vỏn vẹn 139,5 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.728 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 24 triệu CP, trị giá 553 tỷ đồng. Đáng chú ý có NVL thỏa thuận 2,209 triệu đơn vị, giá trị 108,78 tỷ đồng; GMD là 1,3 triệu đơn vị, giá trị 32,8 tỷ đồng…
Điểm nhấn: Phục hồi tăng điểm trên cả 2 chỉ số, nhưng không có sự đồng thuận của thanh khoản, nên sự hứng phấn của thị trường bị giảm nhiệt đáng kể. Lực cầu yếu khiến đà tăng của nhiều nhóm CP bị suy yếu đi đáng kể, đặc biệt là nhóm ngân hàng. BID, CTG có lức tăng trần trong phiên, nhưng đóng cửa BID chỉ còn tăng 4,1% lên 23.000 đồng/CP. CTG chỉ còn tăng 4,3% lên 21.800 đồng/CP. Mặc dù suy giảm về cuối phiên, song nhóm ngân hàng vẫn là động lực chính giúp thị trường hồi phục, các CP khác như VCB, VPB, ACB, SHB, MBB… đều tăng tốt so với mặt bằng chung của thị trường. Bên cạnh đó là sự đóng góp của các CP vốn hóa lớn khác như VHM, VRE, BVH, DHG, GAS, VNM… khi kết thúc phiên đều giữ được sắc xanh đáng kể.
Đà tăng của VN-Index vào cuối phiên cũng không còn quá mạnh do áp lực quá lớn đến từ các cổ phiếu trụ cột khác như VJC, VIC, FPT, PVD, HPG… Trong đó, VIC giảm 1,4% xuống 103.000 đồng/CP. PVD giảm 2,4% xuống 12.300 đồng/CP. HPG giảm 1,9% xuống 33.750 đồng/CP. Bên cạnh đó nhóm chứng khoán cũng giao dịch khá yếu. SSI, SHS, VND chỉ tăng nhẹ, trong khi HCM, VCI tiếp tục điều chỉnh.
Khối ngoại: Sau khi chấm dứt chuỗi 6 phiên bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng gần 108 tỷ đồng trong phiên ngày hôm qua, thì sang đến phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng trên thị trường với giá trị 62,72 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,62 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 64,26 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại đã bán ròng 88.253 đơn vị, nhưng tổng giá trị tương ứng lại là mua ròng gần 0,8 tỷ đồng.
Nhóm ngành: Thị trường phục hồi tăng điểm, đặc biệt là nhóm ngân hàng, qua đó kéo theo các nhóm khác đóng cửa xanh điểm. Trạng thái khá cân bằng giữ các nhóm ngành với 9 nhóm ngành tăng và 9 nhóm ngành giảm. Đứng đàu là nhóm ngân hàng, bứt phá 2,49%, theo sau là nhóm bảo hiểm tăng 1,56%. Xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng 1,3% và 1,28%. Ở chiều giảm điểm, thì với sự giảm sâu của mã YEG kéo nhóm truyền thông giảm 1,82%. Nhóm tài nguyên cơ bản giảm 1,47%, công nghệ thông tin và dầu khí giảm gần 1%. |
Nhóm CP vốn hóa lớn: Có sự phân hóa, xét vè chiều tăng thì ngoài các mã ngân hàng, nhiều cổ phiếu đầu ngành khác như VHM, GAS, VNM, SSI, HSG, BVH, SBT... cũng đều tăng điểm để hỗ trợ chỉ số. Ở chiều ngược lại, các mã VIC, SAB, PLX, HPG, VJC, FPT, KDC, REE... đều giảm điểm, gây sức ép lên chỉ số. Trong đó, HPG giảm 1,9% về 33.750 đồng, khớp lệnh 3,3 triệu đơn vị, cũng là mã có thanh khoản tốt nhất trong số các mã giảm. Nhóm CP ngân hàng: Là nhóm tích cực nhất trong phiên hôm nay, ngoại trừ TPB giảm điểm, EIB đứng giá, còn lại đều tăng điểm. Cụ thể, VCB tăng 2,3%; CTG tăng 4,3%; BID tăng 4; TCB tăng 1%; MBB tăng 4,1%; VPB tăng 1,7%; HDB tăng 0,6%; STB tăng 1,5%... |
KHUYẾN NGHỊ ĐẦU TƯ:
Sau phiên giảm mạnh hôm qua trước tác động của chiến tranh thương mại, thì hôm nay thị trường lại có sự bật tăng phục hồi về điểm số. Tuy nhiên, thanh khoản lại có phần giảm nhiệt so với trung bình các phiên trước và là phiên có khối lượng thấp nhất tính từ ngày giao dịch đầu tuần. Dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài quan sát, trước những quan ngại về bất ổn trong thương mại đang có chiều hướng leo thang. Rủi ro tiềm ẩn vẫn đang khá lớn, vì vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị ưu tiên trạng thái quan sát, chờ thêm tín hiệu rõ nét hơn từ thị trường và duy trì một tỷ lệ nắm giữ tiền mặt với tỷ trọng cao hơn.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm