BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 4 NĂM 2019

09/05/2019
anhpnh

TẢI VỀ BÁO CÁO ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY

 

BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 4 NĂM 2019

 

 

TỔNG KẾT NHỮNG TIÊU ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý VỀ KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 4 NĂM 2019.

Một phần ba chặng đường của năm 2019 đã trôi qua, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn giữ được gam màu sáng với điểm nhấn là kinh tế vĩ mô ổn định, tổng cầu tăng mạnh, lạm phát được kiểm soát. Một số chỉ tiêu vẫn tiếp tục phát huy kết quả tốt từ cuối quý 1, như ngân sách tăng khá, trên 26% so với cùng kỳ. Cả nước thành lập nhiều doanh nghiệp mới; thu hút đầu tư tăng kỷ lục, có nhiều dự án quy mô lớn. Sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa, dịch tả lợn châu Phi đã kiểm soát, hạn chế thiệt hại mức thấp nhất. Xuất khẩu tăng khá và tiếp tục xuất siêu. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của nước ta tăng, đứng thứ hai trong các nước ASEAN.

Điểm sáng kinh tế:

- Điểm nổi bật của bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm là nền kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/4/2019, số dự án cấp mới là 1,082 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 5.3 tỷ USD, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. 

- Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.

- Báo cáo của Nikkei vừa công bố cho biết chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng từ mức 51,9 điểm trong tháng 3 lên mức 52,5 điểm, cao nhất từ đầu năm 2019 đến này và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.

- Trong tháng 4, cả nước có 14.800 doanh nghiệp thành lập mới tăng 19% về số doanh nghiệp so với tháng trước, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng cần theo dõi thêm một số các diễn biến như:

Giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ làm gia tăng sức ép lạm phát. Ngoài ra, giá điện tăng cao, giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ sở vẫn đang trong lộ trình điều chỉnh, chỉ chờ thời điểm quyết định… Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới diễn biến chỉ số CPI tháng 5 và tác động tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Việt Nam trong năm nay.

Không chỉ là lạm phát, các áp lực, thách thức với nền kinh tế còn đến từ dấu hiệu sản xuất, xuất nhập khẩu. Qua 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018. Con số này tuy vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, song lại thấp hơn mức tăng 10,7% cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, xuất khẩu của tháng 4/2019 đã giảm tới 12,6% so với tháng 3/2019; tính chung 4 tháng, mức tăng chỉ là 5,8%. Nhập siêu cũng bắt đầu quay trở lại, khiến cán cân thương mại của cả nước trong 4 tháng chỉ còn 711 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 3,7 tỷ USD.

Cụ thể với những điểm nhấn đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm 2019:

Tăng trưởng GDP: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017.

CPI, lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP): Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2019 ước tính tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam: Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng từ mức 51,9 điểm trong tháng 3 lên mức 52,5 điểm, cao nhất từ đầu năm 2019 đến này và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.

Cán cân thương mại: Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Ba xuất siêu 1,6 tỷ USD; quý I xuất siêu 1,4 tỷ USD; tháng Tư ước tính nhập siêu 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng năm 2019 tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI): Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/4/2019, số dự án cấp mới là 1,082 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 5.3 tỷ USD, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đăng ký doanh nghiệp: Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Tư đạt cao nhất trong 4 tháng đầu năm nay. Trong tháng 4/2019, cả nước có 14.854 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 167 nghìn tỷ đồng, tăng 19% về số doanh nghiệp và tăng 30,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 27,3%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 43.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 542,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng mức bán lẻ & du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2019 ước tính đạt 400 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.583,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế: Việt Nam tiếp tục trở thành điểm thu hút khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng khách liên tục đạt trên mức 1,4 triệu lượt mỗi tháng kể từ đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5.968,9 nghìn lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

0 bình luận, đánh giá về BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 4 NĂM 2019

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.38368 sec| 970.531 kb