Foxconn thuê thêm đất, rót hơn 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam

19/08/2022
huyennt
Tập đoàn Đài Loan (Trung Quốc) thuê diện tích đất 69,8 ha tại khu công nghiệp Quang Châu, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 773 triệu USD.

Tập đoàn Đài Loan (Trung Quốc) thuê diện tích đất 69,8 ha tại khu công nghiệp Quang Châu, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 773 triệu USD.

Ngày 15/8, ông Chuang Tzu Yi - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ chính xác FuYu (thuộc tập đoàn Foxconn) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thuê lại 50,5 ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, với đại diện Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (thuộc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc).

 

Tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, Foxconn là doanh nghiệp FDI đầu tư có quy mô lớn nhất với các dự án bắt đầu từ năm 2019. Hiện tổng diện tích đất thuê 69,8 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký của Foxconn đạt 773 triệu USD.

Năm nay, với kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại tỉnh Bắc Giang, Foxconn thoả thuận thuê thêm 50,5 ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu. Foxconn dự kiến đầu tư vào dự án mới hơn 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.

Khu công nghiệp Quang Châu có tổng diện tích hơn 516 ha, trong đó diện tích hiện hữu 426 ha được lấp đầy 100%, thu hút 41 dự án đầu tư, bao gồm 37 dự án FDI, 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 67.000 lao động.

Foxconn là tập đoàn hàng đầu Đài Loan trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính. Các sản phẩm của Foxconn đa dạng liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ô tô, thiết bị bán dẫn…

“Chính sách hướng Nam” của Đài Loan

Động thái rót vốn mở rộng nhà máy của Foxconn tại Việt Nam nằm trong chiến lược đầu tư tầm khu vực của Đài Loan. Theo IBT, Đài Loan thúc đẩy mạnh hơn “Chính sách hướng Nam”, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với các quốc gia ASEAN, Nam Á, Australia và New Zealand. Chiến lược này đang chứng minh hiệu quả đáng kể khi các tập đoàn lớn của Đài Loan đạt lợi nhuận tăng mạnh.

Theo thống kê, tổng đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan tại 18 quốc gia nằm trong chính sách này đạt 2,065 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, lần đầu vượt qua số vốn rót vào Trung Quốc là 1,796 tỷ USD.

 

“Chính sách hướng Nam” của Đài Loan khởi động từ năm 2017 với tổng đầu tư trong năm này đạt mức cao kỷ lục 3,68 tỷ USD. Nhưng con số này giảm xuống còn 2,4 tỷ USD năm 2018 và tăng lên 2,79 tỷ USD (2019) và 2,83 tỷ USD (2020).

Từ năm 2021, các doanh nghiệp lớn của Đài Loan tăng mạnh đầu tư vào những quốc gia khu vực thuộc “hướng Nam” sau khi tính đến rủi ro địa chính trị và yêu cầu từ nhiều đối tác lớn. Tổng vốn đầu tư của Đài Loan vào các quốc gia ASEAN, Nam Á, Australia và New Zealand tăng 106% mỗi năm lên mức cao mới 5,83 tỷ USD vào năm ngoái, trái ngược với sự sụt giảm đầu tư ở Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy tổng lợi nhuận đầu tư trong “Chính sách hướng Nam” ở quý đầu tiên năm 2022 được ghi nhận qua các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan (TWSE) đạt 162,18 tỷ Đài tệ (5,406 tỷ USD), tăng 187,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là lần đầu khoản lợi nhuận này vượt qua con số tương ứng ở Trung Quốc (102,645 tỷ Đài tệ, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Các chuyên gia đánh giá cần xem xét liệu thống kê này có phải là sự khởi đầu cho “sự giao thoa về lợi nhuận đầu tư” giữa hai khu vực hay không.

Sự sụt giảm lợi nhuận đầu tư ở Trung Quốc liên quan đến tăng trưởng kinh tế mờ nhạt, chỉ đạt 2,5% trong nửa đầu năm, so với 4,4% ở Singapore và 6,42% của Việt Nam.

Tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên TWSE từ đầu tư vào Trung Quốc ước tính chỉ đạt 120 tỷ Đài tệ trong quý 2/2022, giảm so với mức 142,6 tỷ Đài tệ của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đầu tư của Đài Loan vào các quốc gia ASEAN, Nam Á, Australia và New Zealand dự đoán tăng lên 180 tỷ Đài tệ trong quý 2/2022.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu

Động thái mở rộng đầu tư của Foxconn tại Bắc Giang cũng trùng với chiến lược đa dạng hóa sản xuất của đối tác số 1 Apple với đích đến là Việt Nam.

Việt Nam đang là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, cung cấp loạt sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ như máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.

“Táo khuyết” chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam bắt đầu với AirPods vào năm 2020. Tai nghe cũng là sản phẩm Apple đầu tiên được chuyển lắp ráp ra khỏi Trung Quốc sau khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Số lượng nhà cung cấp của Apple có cơ sở tại Việt Nam tăng lên ít nhất 22 công ty từ con số 14 vào năm 2018.

Bên cạnh Apple, nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng thiết lập sản xuất tại Việt Nam để giảm tỷ lệ sản xuất ở Trung Quốc.

nhipsongkinhdoanh

0 bình luận, đánh giá về Foxconn thuê thêm đất, rót hơn 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.49151 sec| 970.258 kb