(KTSG Online) – Các doanh nghiệp châu Á đối mặt với áp lực lớn trong năm nay vì các lô trái phiếu trị giá 314 tỉ đô la Mỹ đến hạn thanh toán mà chi phí tái cấp vốn cho các doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng thấp đã tăng lên gần mức cao nhất trong lịch sử.
Tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc và các công ty con có tổng cộng khoảng 5,8 tỉ đô la trái phiếu đô la đáo hạn trong năm nay. Ảnh: Coincu.com
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các công ty từ Vedanta Resources của Ấn Độ cho đến các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn như Evergrande của Trung Quốc đều có khoản nợ trái phiếu định danh bằng đồng đô la đáo hạn vào năm 2023. Tổng nợ trái phiếu mà họ phải trả trong năm 2023 là con số lớn nhất trong 5 năm tới.
Rủi ro lớn hiện nay là chi phí đi vay tăng cao có thể gây ra cơn đau đầu cho các doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng yếu hơn trong việc huy động vốn để trả nợ đáo hạn.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy chi phí tài chính cho các lô trái phiếu đô la được xếp hạng rác (junk bond) ở châu Á đạt mức cao nhất trong ít nhất một thập niên trong năm 2022 dù đã giảm lại kể từ đó.
Moody’s Investors Service cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, số vụ vỡ nợ của doanh nghiệp có trái phiếu có tính đầu cơ (lợi suất cao) có thể tăng gấp bốn lần trên toàn cầu trong năm nay.
Ở châu Á, các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc đã chứng kiến số vụ vỡ nợ kỷ lục trong năm 2022. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tín dụng của Hàn Quốc hồi năm ngoái thấy vấn đề nợ của một địa phương nằm cách xa trung tâm tài chính Seoul có thể lan nhanh ra thị trường rộng lớn như thế nào.
Tình hình vẫn còn rất bất ổn dù có một số dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với thị trường trái phiếu với việc chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp trên thế giới thu hẹp mạnh trong những tuần gần đây khi giới đầu tư đặt cược rằng đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm lại.
“Tính thanh khoản của thị trường và nhu cầu tái cấp vốn sẽ đối mặt những thách thức lớn trong năm 2023”, Jim Veneau, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định châu Á tại Công ty AXA Investment Managers Asia ở Hồng Kông nói.
Theo ông, những nỗ lực của Trung Quốc để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không phải là “bài thuốc chữa bách bệnh” nhưng hoạt động trên thị trường trái phiếu sơ cấp sẽ nhộn nhịp hơn nhờ nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản có mục tiêu và cũng như sự kết thúc của chiến lược ‘zero Covid’.
Tổng nợ trái phiếu đô la Mỹ mà doanh nghiệp châu Á phải trả trong năm 2023 là 314 tỉ đô la, lớn nhất trong 5 năm tới. Ảnh: Bloomberg
Những doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng cấp độ đầu tư, gồm các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, các ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản dường như không gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng thấp rất khó khăn để xoay sở trả nợ cho các trái chủ.
Khoảng 22% trong tổng trị giá trái phiếu định danh bằng đô la Mỹ của doanh nghiệp châu Á đáo hạn vào năm 2023 là loại trái phiếu rác với điểm số tín dụng tương đương mức thấp hơn BBB hoặc không được xếp hạng tín dụng, theo dữ liệu của Bloomberg.
Vedanta Resources, nhà sản xuất kẽm và nhôm lớn nhất Ấn Độ có khoảng 4,7 tỉ đô la trái phiếu đáo hạn trong 4 năm tới, ngay đúng lúc khi những lo ngại về suy thoái toàn cầu gây áp lực lên các mặt hàng như kim loại cơ bản. Để trả nợ, Vedanta Resources phụ thuộc vào khoản trả cổ tức từ công ty con Vedanta Ltd vốn đang chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh.
Lãi suất coupon của các lộ trái phiếu đô la của Vedanta đáo hạn trong 4 năm tới dao động từ 6,125 – 14% nhưng lợi suất đáo hạn lại dao động từ 24-37%.
Tại Malaysia, 1Malaysia Development, một quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia, có một lô trái phiếu trị giá 3 tỉ đô la sẽ đáo hạn vào tháng 3-2023. Các chủ nợ sẽ theo dõi chặt chẽ cách chính phủ Malaysia lên kế hoạch trả nợ cho 1Malaysia Development. Trước đó, chính Malaysia cho biết tiếp tục cung cấp phân bổ vốn để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính chủ yếu để mua lại các lô trái phiếu đáo hạn.
Evergrande đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Tập đoàn này và các công ty con có tổng cộng khoảng 5,8 tỉ đô la trái phiếu đô la đáo hạn trong năm nay. Evergrande đang nỗ lực tái cấu trúc và thương lương để đạt được một giải pháp về nợ với các chủ nợ.
Theo Bloomberg
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm