Ngành thép "Hồi sinh" nhờ gói hỗ trợ kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc?

04/10/2024
CSI Research Center
CSI Research Center

Ngay sau khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ FED hạ 0.5 điểm lãi suất cơ bản, Ngân hàng TW Trung Quốc PBoC cũng không chần chừ tung gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch Covid 19. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng nội địa giảm, cuộc khủng hoảng bất động sản trong 3 năm qua vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia tỷ dân này cũng tăng lên mức đáng báo động, có thể gây bất ổn lớn tới trật tự xã hội. Theo các số liệu thống kê mới nhất tháng 8/2024, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ từ 16-24 tuổi ở Trung Quốc đã đạt mức gần 19%, có nghĩa rằng cứ 5 người từ 16 – 24 tuổi sẽ có 1 người thất nghiệp. Cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc đang dựa vào bất động sản và rõ ràng nhóm giải pháp nới lỏng rất mạnh tay liên quan tới thị trường bất động sản là nước đi cuối cùng và không mấy mong muốn của giới điều hành.

Cụ thể nội dung của gói kích thích kinh tế như sau:

1. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR):

- Giảm 50 điểm cơ bản cho các ngân hàng lớn và trung bình, xuống còn 6% và 8%.

- Giữ nguyên tỷ lệ 5% cho các ngân hàng nhỏ và khu vực.

- Lần đầu tiên, PBoC cung cấp hướng dẫn trước về RRR, có thể giảm thêm 25-50 điểm cơ bản trước cuối năm.

2. Giảm lãi suất chính sách:

- Giảm 20 điểm cơ bản lãi suất repo 7 ngày từ 1.7% xuống 1.5%.

- Giảm lãi suất MLF 1 năm và LPR lần lượt 30 và 20-25 điểm cơ bản.

- Giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng từ 20-25 điểm cơ bản.

3. Giảm lãi suất thế chấp hiện tại:

- Giảm lãi suất thế chấp hiện tại xuống mức của các khoản vay thế chấp mới, trung bình giảm 50 điểm cơ bản.

- Lợi ích cho khoảng 50 triệu hộ gia đình, giảm chi phí lãi suất hàng năm khoảng 150 tỷ RMB.

4. Giảm tỷ lệ đặt cọc tối thiểu cho người mua nhà lần hai:

- Giảm từ 25% xuống 15%, tương đương với người mua nhà lần đầu.

- Yêu cầu các ngân hàng không phân biệt giữa người mua nhà lần đầu và lần hai.

5. Mở rộng và cải thiện các chính sách hỗ trợ bất động sản hiện có:

- Bao phủ 100% vốn vay trong cơ sở tái cấp vốn nhà cho thuê.

- Gia hạn các chính sách hỗ trợ cho vay bất động sản và tái cấp vốn cho nhà phát triển đến cuối năm 2026.

6. Cơ sở hoán đổi 500 tỷ RMB cho các công ty chứng khoán, quỹ và công ty bảo hiểm:

- Cho phép sử dụng trái phiếu và ETF cổ phiếu làm tài sản thế chấp để hoán đổi lấy trái phiếu chính phủ và hóa đơn ngân hàng trung ương.

7. Cơ sở tái cấp vốn 300 tỷ RMB cho chương trình mua lại cổ phiếu:

- Khuyến khích các ngân hàng cung cấp nhiều khoản vay hơn để hỗ trợ các chương trình mua lại cổ phiếu của công ty.

 

Trong nhóm công cụ chính sách trên chúng tôi nhấn mạnh đến nhóm công cụ như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm lãi suất MLF 1 năm, LPR và nới lỏng thị trường nhà ở. 

PBOC cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng 0.5 điểm cơ bản. Thống đốc PBOC cho biết, động thái này sẽ giúp giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 142,44 tỷ USD) để cho các khoản vay mới và mở ra cơ hội cho một đợt cắt giảm khác vào cuối năm nay. Công cụ RRR là một công cụ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiền lưu thông, ảnh hưởng trực tiếp đến cung tiền M2 của nền kinh tế.

PBoC thông báo cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) từ 2,3% xuống còn 2,0% với quy mô 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính. Giảm 20 – 30 điểm cơ bảm đối với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR), cùng với một loạt lãi suất khác. Lãi suất MLF (Medium-term Lending Facility) là khoản vay có kỳ hạn 3-12 của NHTW Trung Quốc đối với các các NHTM, ngân hàng chính sách. Tài sản thế chấp được chấp nhận bao gồm trái phiếu tài chính xếp hạng AA được phát hành để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, nền kinh tế xanh hoặc phát triển nông nghiệp; trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng AA; các khoản vay chất lượng cao dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và các khoản vay xanh. Lãi suất MLF được coi là công cụ lãi suất chính sách quan trọng ảnh hưởng đến lãi suất LPR. Lãi suất LPR (Loan Prime Rate) được coi là mức Benchmark cho vay DN hạng AA (mức sàn) đối vợi thị trường 1. Đây đều là những công cụ mạnh mẽ về chính sác tiền tệ tác động trực tiếp đến cung tiền lưu thông và lãi suất trên thị trường dân cư và doanh nghiệp. Ngoài ra PboC cũng hạ 0.2 điểm phần trăm lãi suất repo 7 ngày giúp hạ lãi chi phí vốn trên thị trường liên ngân hàng tác động đến các lãi suất ngắn hạn như: SHIBOR, R007, DR007,…

Liệu gói hỗ trợ trên có đủ vực dậy thị trường bất động sản nước này? Ngành thép liệu có quay trở lại thời kỳ “hoàng kim”?

Ngay sau khi công bố thông tin trên giá thép thế giới đã bật tăng hơn 15% từ mức dưới 3000CNY/tấn. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là đà hồi phục của giá thép còn có thể kéo dài đến bao lâu và liệu rằng gói kích thích kinh tế trên có phải là liều thuốc đủ mạnh để giải quyết bài toán dư thừa nguồn cung của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Về thực trạng bất động sản hiện tại, theo ước tính của các nhà kinh tế, số lượng nhà trống có thể lên tới 90 triệu căn. Theo ước tính của IMF và CEIC, phải cần đến nửa thập kỷ nỗ lực để Trung Quốc giải quyết tình trạng dư thừa trên. 

  

Giá nhà và doanh số bán nhà liên tục sụt giảm và chạm đáy trong những tháng gần đây. Ngoại trừ Thượng Hải tăng nhẹ, hầu hết các thị trường nhà đất các thành khác đều ghi nhận mức giảm mạnh cả về giá lẫn doanh số. Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm nghiêm trọng này đến từ niềm tin của người dân suy giảm được thể hiện thông qua tiết kiệm hộ gia đình Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục cùng với trào lưu đổ xô mua vàng của người dân nơi đây. Tín dụng là một đòn bẩy quan trọng của thị trường Trung Quốc cũng đang trải qua một thời điểm khó khăn. Tín dụng ngân hàng cấp mới ở Trung Quốc trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất 15 năm. Đặc biệt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đạt mức tăng trưởng âm trong 8 tháng đầu năm.

Rõ ràng với “mớ bòng bong” hiện tại thì chỉ gói kích thích hiện tại là chưa đủ để giải quyết căn bệnh dư thừa bất động sản trong một sớm một chiều. Nền lãi suất hiện tại ở Trung Quốc hiện tại là khá thấp và vấn đề hiện tại đang là niềm tin người tiêu dùng khi mà tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp. Chính sách tiền tệ sẽ cần một khoảng thời gian để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Chúng tôi tin rằng gói hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc là cần thiết tuy nhiên ảnh hưởng của nó cần thêm thời gian để kiểm chứng cũng như cần thêm những nỗ lực từ phía chính phủ. Giá thép thế giới chịu chi phối quá lớn bởi thị trường thép tỷ dân. Trong đó câu chuyện then chốt là nhu cầu xây dựng của thị trường bất động sản trung Quốc. Sẽ tương đối khó đánh giá hậu quả trong dài hạn nhưng ít nhất trong ngắn hạn hành động này đã đem tới tâm lý tích cực tới giới đầu tư. Giá thép có thể duy trì đà tăng song để sớm quay lại thời kỳ “hoàng kim” sẽ còn là câu chuyện khá xa phía trước.

Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về góc nhìn của mình về những ảnh hưởng của chính sách nới lỏng trên đến nền kinh tế Việt Nam.

0 bình luận, đánh giá về Ngành thép "Hồi sinh" nhờ gói hỗ trợ kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc?

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.31023 sec| 980.875 kb