Theo báo cáo tổng hợp của Trung tâm nghiên cứu kinh tế MSB, trong tuần từ 5/9 - 9/9, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh. Tất cả các kỳ hạn 1 tháng trở xuống lãi suất đều vượt 6%/năm. Trước diễn biến đó, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có những động thái điều hành linh hoạt trên thị trường mở để điều tiết thanh khoản trên thị trường. Cụ thể, NHNN đã hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với tổng khối lượng đạt hơn 64.400 tỷ đồng và đồng thời cũng linh hoạt nâng kỳ hạn giao dịch lên 14 ngày. Lãi suất liên ngân hàng nhờ đó đã hạ nhiệt. Tính đến ngày 15/9, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 4,25%; kỳ hạn 1 tuần là 4,5%...
Giới chuyên gia cho rằng, để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, NHNN cần đảm bảo thanh khoản cho thị trường thông qua công cụ thị trường mở với việc bơm – hút tiền nhịp nhàng, hợp lý...
Lý giải lãi suất thị trường liên ngân hàng có nhiều phiên tăng, bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, thanh khoản trên hệ thống đã gặp nhiều áp lực, phần nhiều đến từ việc đáo hạn các hợp đồng bán USD và khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên cao trong thời gian gần đây cũng tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá trước áp lực mạnh từ thị trường quốc tế.
Không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, áp lực lên lãi suất trên thị trường dân cư cũng tăng dần trong thời gian qua. Theo tổng hợp của CTCK Bảo Việt (BVSC), từ cuối tháng 8, lãi suất huy động 12 tháng bình quân các ngân hàng được ghi nhận mức 5,85%/năm, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đối với kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao hơn 0,47 điểm phần trăm. Nhìn chung mức lãi suất huy động đã quay trở lại mặt bằng của tháng 11/2020.
Từ đầu tháng 9 đến nay, theo khảo sát của phóng viên, lãi suất huy động tiếp tục được một số ngân hàng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn gửi tiền. Điểm danh các ngân hàng tăng lãi suất có cả ngân hàng quy mô lớn lẫn nhỏ, có thể kể đến như MB, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank… Hay như VietinBank mới đây cũng triển khai chương trình cộng thêm lãi suất tới 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng trên VietinBank iPay, lãi suất huy động cao nhất tại VietinBank hiện là 6,1%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất huy động tăng trong thời gian qua một phần cũng bởi tín dụng những tháng đầu năm tăng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn. Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối tháng 8 tín dụng tăng 9,91%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,8%. Điều đó khiến thanh khoản của các ngân hàng không còn dư dả như thời gian trước.
Bên cạnh đó còn do áp lực lạm phát. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất cũng đang tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để duy trì vị thế của VND.
Tuy nhiên, cũng có ngân hàng điều chỉnh lãi suất là để cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn khi mà từ 1/10 tới đây, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ được giảm tiếp về còn 34%. Chưa kể hiện các nhà băng vừa được nới room tín dụng cũng tranh thủ huy động để có nguồn cho vay trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, hiện một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang kẹt trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại thời hạn, buộc các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn mới có nguồn để cho vay.
Có thể thấy áp lực lãi suất tăng lên hiện hữu, nhất là khi gánh nặng lo vốn cho nền kinh tế hiện vẫn đang dồn khá nhiều lên vai của hệ thống ngân hàng. “Áp lực cấp vốn lên vai ngân hàng ngày càng gia tăng bởi các kênh trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang bị kẹt; vốn đầu tư công thì giải ngân chậm. Vì vậy, dù tín dụng tăng mạnh từ đầu năm, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhận định, áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới là rất lớn, nhưng mức độ tăng không quá nhiều. Bởi hiện NHNN vẫn đang điều tiết thanh khoản của hệ thống một cách chủ động, linh hoạt. Bên cạnh đó, việc nới room vẫn trong hạn mức tổng thể là 14% đã được định sẵn từ đầu năm, nên không gây hiệu ứng tăng lãi suất mạnh.
Mặc dù vậy giới chuyên gia cho rằng, để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, NHNN cần đảm bảo thanh khoản cho thị trường thông qua công cụ thị trường mở với việc bơm – hút tiền nhịp nhàng, hợp lý. Về lâu dài phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ.
ndh
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm