NGÀNH NHỰA NHIỀU TRIỂN VỌNG. KỲ VỌNG GÌ Ở DỰ ÁN PBAT
TẢI BÁO CÁO PHÂN TÍCH CTCP TẬP ĐOÀN AN PHÁT HOLDINGS (APH)
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
Ngành nhựa Việt Nam có nhiều triển vọng vì được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ sản xuất hầu hết đã tiếp cận với trình độ hiện đại của thế giới & nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào. Bên cạnh đó, ngành nhựa Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại như EVFTA, RCEP… Các mặt hàng nhựa đang chịu thuế cơ bản 6.5% sẽ được giảm về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2021 và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. RCEP (hiệu lực từ 1/1/2022) giúp các DN Việt Nam được nhận ưu đãi thuế xuất khẩu còn 0-5% nếu đáp ứng tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ.
Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là sản xuất, kinh doanh thương mại các sản phẩm nhựa tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trong H1/2022, lĩnh vực này chiếm trên 98% cơ cấu doanh thu & gần 90% cơ cấu lợi nhuận gộp của APH, đồng thời tăng trưởng lần lượt 50% về doanh thu và gần 25% lợi nhuận gộp so với cùng kỳ.
Dự án Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy hoàn toàn PBAT với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm sẽ đưa APH nằm trong Top 4 nhà cung cấp PBAT lớn nhất thế giới, đồng thời giúp APH tiết kiệm được 20-30% chi phí sản xuất.
Mảng bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) dự báo có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Dự án KCN An Phát 1 có diện tích 180ha, hiện 45% diện tích thương mại đã có khách hàng, dự kiến sẽ đem lại gần 2,800 tỷ đồng doanh thu cho APH trong giai đoạn 2022-2025 với giá cho thuê là 90 USD/m2. Quỹ đất của APH dự kiến được mở rộng lên gần 2,000 ha đến năm 2030.
Nợ vay có xu hướng giảm giúp cơ cấu nguồn vốn tích cực hơn. Nợ vay/TTS có xu hướng giảm dần từ 2018 trở lại đây, từ mức 50.5% (2018) về 36.78% (30/6/2022). Theo đó, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của APH tại 30/6/2022 là 4,865 tỷ đồng.
RỦI RO ĐẦU TƯ
Biến động giá nguyên vật liệu: chi phí nguyên vật liệu chiếm tới 50-80% cơ cấu chi phí sản xuất của APH, trong đó đa phần nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu. Sự biến động giá dầu, giá than, giá khí thế giới sẽ ảnh hưởng tới giá nguyên vật liệu nhựa, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của DN khi mà giá bán chưa tăng tương ứng cùng thời điểm do các hợp đồng đã ký trước với khách hàng.
Rủi ro tỷ giá: Việc chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khiến APH phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu bằng đồng ngoại tệ (chủ yếu từ Mỹ và Trung Đông). Tuy nhiên, doanh thu của APH cũng phần nhiều đến từ hoạt động xuất khẩu nên rủi ro tỷ giá cũng không quá lo ngại, nhưng chúng tôi lưu ý rủi ro này cũng ít nhiều có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN nhất là trong bối cảnh APH cũng có nợ vay bằng ngoại tệ.
Rủi ro các khoản phải thu cao: tại 30/6/2022, APH có 2,963 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 22.4% cơ cấu tổng tài sản. Đây chủ yếu là các khoản thu thương mại, có tính luân chuyển ngắn ngày và cũng là đặc thù chung của các DN có hoạt động thương mại. Tuy nhiên, việc hầu như không trích lập dự phòng cho các khoản phải thu này thì cũng phần nào tiềm ẩn rủi ro cho cơ cấu tài sản của Công ty.
Giá trị hàng tồn kho tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Tại 30/6/2022, giá trị hàng tồn kho của APH là 2,314 tỷ đồng, tăng 73.13% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó chủ yếu là hàng hóa và nguyên vật liệu tăng mạnh. Việc hàng tồn kho tăng mạnh đối với một DN kinh doanh thương mại cũng là điều dễ hiểu nhưng việc hàng tồn kho cao có thể khiến cơ cấu tài sản gặp rủi ro khi giá nguyên vật liệu (hạt PP, hạt PE) đang có xu hướng điều chỉnh và điều này có thể khiến DN phải tăng trích lập dự phòng.
Rủi ro gia tăng chi phí lãi vay: trong giai đoạn 2022-2024, APH cần một lượng vốn lớn để triển khai các dự án đề ra. Theo đó, nhu cầu vốn cho mảng BĐS KCN của APH trong giai đoạn này là 900 tỷ đồng và cho Dự án Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy hoàn toàn PBAT ước khoảng 100 triệu USD, tổng là hơn 3,250 tỷ đồng. Trong đó, Dự án PBAT hiện APH đã thu xếp xong 20% vốn và 70% đang xúc tiến vay đối tác Ngân hàng Hàn quốc. Nhu cầu vốn vay tăng cao sẽ đẩy tỷ lệ nợ vay lên cao và kèm theo đó là áp lực trả lãi vay tăng lên, có thể bào mòn lợi nhuận của DN.
KHUYẾN NGHỊ ĐẦU TƯ
Chúng tôi thực hiện định giá cổ phiếu APH theo phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ FCFE với giá hợp lý của APH được xác định là 14,032 đ/cp, UPSIDE +15.5% so với giá hiện tại. Chúng tôi giữ quan điểm TRUNG LẬP đối với cổ phiếu APH.
----------------
* Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam
Zalo group: Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam
Facebook: Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam CSI
Hotline: 0886 998 288
Email: online@vncsi.com.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm