Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được kéo dài đến năm 2024

04/01/2023
huyennn
Hiện doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mới khi nhu cầu thị trường giảm, chi phí sản xuất tăng cao và sức khỏe của doanh nghiệp đã suy yếu hơn.

Hiện doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mới khi nhu cầu thị trường giảm, chi phí sản xuất tăng cao và sức khỏe của doanh nghiệp đã suy yếu hơn.

 

Tạm dừng hoạt động, giải thể hay phá sản doanh nghiệp là một quy luật của nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, với 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2022 (cao gấp 1,6 lần mức bình quân các năm giai đoạn 2017 – 2021) cho thấy doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Cấp độ khó khăn tăng lên trong năm 2023

Hoạt động trong lĩnh vực vận tải nhiều năm, ông Trần Hay, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải hành khách Cao Nguyên cho biết, sau hơn 2 năm chống chịu “cơn bão” dịch Covid-19 chưa kịp hồi phục thì cơn “bão giá” xăng dầu lại ập đến làm cho các doanh nghiệp vận tải khó khăn chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chi phí sản xuất tăng cao khiến doanh phải lựa chọn phương án tạm dừng hoạt động trong năm 2022.

“Trước đây chúng tôi có 20 xe chạy tuyến Đắk Lắk – Hà Nội. Tuy nhiên do không có khách, giá vé thấp, xăng dầu tăng cao dẫn đến thua lỗ. Cộng thêm lãi suất cũng điều chỉnh tăng cao, buộc chúng tôi phải bán xe để trả nợ và đến nay đã phải tạm dừng hoạt động” ông Trần Hay chia sẻ.

Câu chuyện doanh nghiệp của ông Huy chắc chăn không phải là cá biệt.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong năm 2022 có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%).

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2022 là 73.801 doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 34.720 doanh nghiệp (chiếm 47%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 65.502 doanh nghiệp (chiếm 88,8%, tăng 32,2% so với năm 2021).

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giống như các nước khác, trong nhưng giai đoạn khó khăn, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể hay phá sản tăng cao là hết sức bình thường.

“Trong thời kỳ COVID-19, và khủng hoảng kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chờ giải thể hay phá sản tăng cao. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi thì doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại tăng lên” ông ông Lê Trung Hiếu nhìn nhận.

Tuy vậy, ông Lê Trung Hiếu cũng chỉ ra rằng, với số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gấp 1,6 lần mức bình quân các năm giai đoạn 2017 – 2021 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn.

“Báo cáo xu hướng sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 37,5% doanh nghiệp nhận định “lãi suất vay vốn cao” là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4/2022, trong khi quý 3/2022 chỉ có 23,5% doanh nghiệp lựa chọn. Tương tự, yếu tố “nhu cầu thị trường quốc tế thấp”, quý 4/2022 có 32,6% doanh nghiệp lựa chọn, trong khi chỉ có 26,7% doanh nghiệp lựa chọn ở quý 3/2022”, ông Lê Trung Hiếu nêu rõ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, thế giới vẫn đang trong thời kỳ biến động, những thay đổi về địa chính trị được dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hướng đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng ít nhất đến hết quý 1/2023.

Gói hỗ trợ của Chính phủ cần phải kéo dài đến năm 2024

Bên cạnh con số DN rút khỏi thị trường, một góc nhìn khác trong năm 2022, cả nước có 208.368 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường với tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 4.763.536 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Trong đó, có 148.533 DN gia nhập thị trường, tăng 27,1% so với năm 2021 và gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021 (129.611 DN).

Nhìn nhận về con số này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, đây là con số cao chưa từng có, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng DN trong nước và quốc tế về triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam.

“Sự phục hồi kỳ diệu trong hoạt động gia nhập thị trường năm 2022 cho thấy niềm tin lan tỏa và tạo nên động lực thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong nền kinh tế, kỳ vọng hoạt động gia nhập thị trường của DN sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm 2023, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước” bà Thảo nhìn nhận.

Tuy vậy, bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, sau hơn hai năm phải cố gắng bươn trải duy trì hoạt động, trong năm 2022 doanh nghiệp phải đối mặt với thêm yếu tố bên ngoài và giá cả tăng cao khiến sức khỏe đó càng trở lên suy kiệt hơn.

Trong bối cảnh đó, dù Chính phủ cũng rất nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ như Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế hồi đầu năm 2022. Song, khi đi vào cuộc sống thì chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, công đồng doanh nghiệp kỳ vọng, tới đây, Chính phủ cùng bộ ngành và địa phương cần rút kinh nghiệm từ thực tế để những chính sách mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

“Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì gói hỗ trợ về thuế. Đây là gói hỗ trợ được đánh giá cao nhất trong các Chương trình hỗ trợ vì doanh nghiệp được tiếp cận được ngay. Tuy nhiên, họ mong muốn gói hỗ trợ này cần phải kéo dài đến năm 2024” bà Thảo nêu rõ.

Về hỗ trợ lãi suất, dù Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ bù lãi suất 2% nhưng do những quy định ngặt nghèo và ràng buộc khiến doanh nghiệp khó có thể tiếp cận.

“Doanh nghiệp cảm thấy khó lắm, khó vô cùng, gần như những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ”, bà Thảo đề nghị.

Ngoài ra, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành có những hỗ trợ về thị trường, trong đó, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng trong việc xúc tiến thương mại và tìm được đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.

0 bình luận, đánh giá về Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được kéo dài đến năm 2024

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.45004 sec| 975.766 kb