Chung kết đua tăng vốn ngân hàng

22/08/2022
huyennt
Đồng loạt các ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn khiến thị trường M&A trong lĩnh vực này hứa hẹn rất sôi động.

Đồng loạt các ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn khiến thị trường M&A trong lĩnh vực này hứa hẹn rất sôi động.

Mới đây, sự kiện gây chú ý trong giới tài chính là hàng loạt ngân hàng được chấp thuận tăng vốn. Trong đó, vốn điều lệ của SeABank tăng từ 16.598 tỉ đồng lên gần 19.809 tỉ đồng; HDBank từ 20.273 tỉ đồng lên 25.303 tỉ đồng; OCB cũng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỉ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu...

Dòng vốn bổ sung trăm ngàn tỉ đồng

Trong năm nay đã có trên 20 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn. Bên cạnh nhóm ngân hàng quốc doanh như VietinBank, Vietcombank và BIDV, năm 2022 cũng chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh của nhóm ngân hàng tư nhân như VPBank, MB, ACB, SHB, HDBank...  Với kế hoạch tăng vốn vừa công bố, VPBank sẽ dẫn đầu hệ thống về quy mô với vốn điều lệ lên tới 79.334 tỉ đồng. Ước tính, hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung khoảng 120.000 tỉ đồng vốn điều lệ năm nay. 

Có thể thấy, áp lực tăng vốn của các ngân hàng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III. Tăng vốn cũng là yêu cầu được đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đặt ra vốn điều lệ tối thiểu đạt từ 5.000-15.000 tỉ đồng. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, cho biết áp lực tăng vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang thực hiện theo chuẩn Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn 2022-2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Hiện nay, nhiều ngân hàng tăng vốn qua cách giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP, hay phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược... Cũng có ngân hàng lên phương án bán vốn cho nhà đầu tư ngoại và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tài sản của ngân hàng cao, tăng trưởng vốn chưa tương xứng nên việc tăng vốn là cấp thiết. Tuy nhiên, tăng vốn không hề dễ dàng, nhất là khi thị trường chứng khoán diễn biến không mấy thuận lợi. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mức độ tăng vốn sẽ thấp hơn năm 2021 do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh, chịu nhiều rủi ro hơn và khả năng giảm điểm là cao.

Room ngoại chờ cơ hội

Nới được room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là giải pháp được nhiều ý kiến đề xuất. Bởi vì, đây không chỉ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như ngân hàng trong nước thu hút vốn ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống. Hiện trong số 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có 15 ngân hàng có tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Ở một số ngân hàng khác đã kín hoặc gần kín room như ACB, ABBank, VietinBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank. Nhiều ngân hàng khác đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Viet Capital Bank, Nam A Bank, Techcombank, HDBank, Sacombank...

Hiệp định EVFTA cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank). Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, cam kết EVFTA cũng chỉ cho phép 2 ngân hàng vào trường hợp đặc biệt.

Ông Yoshizawa Toshiki, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng OCB, đại diện đối tác chiến lược Nhật Aozora, đề xuất Việt Nam nên nới room ngoại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để có thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này. “Các ngân hàng tầm trung của Nhật đang tìm hiểu nhiều về thị trường tài chính cũng như hoạt động M&A tại Việt Nam”, ông Yoshizawa nói. Hiện có 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài tại Vietcombank, VietinBank và Eximbank. Aozora là ngân hàng Nhật thứ 4 khi nắm giữ 15% cổ phần OCB.

Các ngân hàng Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng 36,4% nhờ kinh tế phục hồi. Thời gian qua, nhiều ngân hàng mở rộng quy mô gọi vốn ngoại. Trong 2 năm qua, Techcombank lần lượt vay 500 triệu USD và 800 triệu USD. VPBank cũng mới huy động thành công khoản vay tín chấp hợp vốn trị giá 600 triệu USD với kỳ hạn 3 năm. Trong bối cảnh lãi suất đồng USD đang ở mức hấp dẫn, nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng tranh thủ gọi vốn ngoại ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính - ngân hàng đang chờ đợi các thương vụ M&A lớn như VPBank muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài nên nâng room ngoại từ 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Hay SMBC sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank. Một số thương vụ bán vốn cho khối ngoại dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới như Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần, kỳ vọng thu về xấp xỉ 30.000 tỉ đồng.

nhipcaudautu

0 bình luận, đánh giá về Chung kết đua tăng vốn ngân hàng

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.37523 sec| 970.828 kb