Đằng sau quyết định tăng lãi suất điều hành

27/10/2022
huyennt
Theo chuyên gia TS. Cấn Văn Lực động thái tăng lãi suất điều hành lần này của NHNN hướng tới ba mục tiêu: kiểm soát kỳ vọng lạm phát; lường trước các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed và giảm áp lực tỷ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN, nhiều NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất để phù hợp với chính sách. Đơn cử tại Bac A Bank, lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đã được nâng lên mức kịch trần. Lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tuần - 3 tuần là 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng là 6%/năm, tăng 1%/năm so với trước…

Sacombank tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5,6-6%/năm từ mức 4,1-4,6%/năm niêm yết hồi đầu tháng, tương đương mức tăng 1,4-1,5%/năm. Trong đó, kỳ hạn 5 tháng linh lãi cuối kỳ tăng lên kịch trần 6%/năm, còn kỳ hạn 4 tháng lãi suất cũng tăng lên mức 5,9%/năm…

Ở phía các ngân hàng lớn chưa có động thái mới sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành. Các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank… đều đang huy động kỳ hạn dưới 6 tháng với lãi suất tối đa 5%/năm.

Bà Phùng Thị Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, sau khi nhận quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN, cho biết ngân hàng phải rà soát lại toàn bộ chính sách huy động vốn của mình để đảm bảo theo kịp xu hướng cũng như định hướng điều hành chính sách của NHNN.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực động thái tăng lãi suất điều hành lần này của NHNN hướng tới 3 mục tiêu. Một là, kiểm soát kỳ vọng lạm phát. Hai là, lường đón các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED và ba là giảm áp lực tỷ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng, chính là tăng hấp dẫn của đồng nội tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND. Qua đó, giảm áp lực tỷ giá.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta muốn tiếp tục duy trì dòng vốn đầu tư nước ngoài mà để tỷ giá tăng thì sẽ không đạt mục tiêu.

Tăng lãi suất là một trong những biện pháp duy trì và thu hút dòng vốn nước ngoài và tạo bộ đệm cho sức ép để tỷ giá giảm xuống. Hơn thế, xu hướng tăng lãi suất hiện nay đã diễn ra lâu nay ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ và các nền kinh tế đầu tàu trên thế giới.

Việc NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1% là phù hợp. Nước ta có độ mở nền kinh tế lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là rõ rãng. “Lãi suất tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế, các doanh nghiệp phải cân nhắc hơn trong nhu cầu đầu tư, nó không tạo ra sức ép với tổng cầu trên phương diện là các doanh nghiệp phải tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh”, PGS.TS Đạt phân tích thêm.

Khi mà NHTW các nước lớn trong đó có Fed tăng liên tục lãi suất để kiềm chế sự mất giá của đồng tiền thì theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Việt Nam cũng buộc phải tăng lãi suất. Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa là tự phá giá đồng tiền của mình, điều này ảnh hưởng tới giá nhập khẩu hàng hoá, làm cho lạm phát tăng lên.

Vì vậy NHNN buộc phải tăng lãi suất để tương thích với giá USD. Tăng lãi suất là biện pháp quan trọng để kiểm soát lạm phát. Bởi tăng lãi suất sẽ làm giảm cung tiền đồng nghĩa việc làm giảm lạm phát, giữ tỷ giá không bị tăng quá mức.

“Đây là động thái linh hoạt và phù hợp của NHNN trong điều hành và cũng là xu thế chung của các NHTW các nước trên thế giới. Quan trọng hơn, việc NHNN tăng lãi suất là để tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, từ đó, giúp giữ chân các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, TS. Nghĩa nhận xét.

Không chỉ chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài đánh giá động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN là tất yếu. Trao đổi với báo giới, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam, cho rằng việc NHNN phải tăng lãi suất điều hành hai lần liên tiếp là điều không tránh khỏi. Vì lãi suất đang tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt là FED liên tục điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD.

Mặc dù, trong 2 tuần trở lại đây tiền Đồng đã mất giá nhiều hơn so với trước. Nhưng khi so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới, ông Alain Cany cho rằng, so với nhiều loại tiền tệ khác, đồng Việt Nam thậm chí còn đang hoạt động tốt hơn các đồng tiền như: đồng euro, đồng yen…

Ông Alain Cany tin rằng, đồng VND vẫn là một đồng tiền mạnh trên thế giới. Trong trung hạn, tiền đồng sẽ mạnh mẽ quay trở lại do nền kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn. Với những gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ tại Việt Nam, ông Alain Canyđánh giá, những chính sách NHNN đang triển khai là điều đúng đắn. “Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã điều hành rất tốt”, vị chuyên gia nước ngoài khẳng định.

Nhiều khó khăn lên vai nhà điều hành

Tất nhiên, khi lãi suất tăng người gửi tiền sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn. Trong tình huống này, DN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Không phủ nhận quy luật “nước lên thì thuyền lên”, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay không thể giữ nguyên.

Song, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, các NHTM cũng sẽ cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không tăng quá cao để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người vay.

“Tôi tin rằng, hệ thống ngân hàng sẽ có cách để mặt bằng lãi vay không bị tăng quá nhiều thời gian tới. Chúng ta đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân.

Bên cạnh điều chỉnh tăng lãi suất huy động, việc kiểm soát và bình ổn lãi suất cho vay cũng là mục tiêu Vietcombank đặt ra trong thời gian tới. Thời gian qua, Vietcombank đã triển khai một loạt giải pháp để đảm bảo bình ổn lãi suất cho vay cho khách hàng như tiết kiệm chi phí hoạt động, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng... Để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng sẽ triển khai gói ưu đãi lãi suất, trong đó giảm trực tiếp lãi suất cho cả các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới.

TS. Cấn Văn Lực cũng ghi nhận đà tăng lãi suất cho vay đang diễn ra chậm hơn so với lãi suất huy động. TS. Cấn Văn Lực cho hay, lãi suất huy động đã và đang tăng lên từ 1-3% từ đầu năm đến nay, tùy kỳ hạn tiền gửi.

Còn lãi suất cho vay tăng chậm hơn và ít hơn, ở mức 1-2%, tùy thời hạn vay, khách hàng và ngành nghề vay. Việc này cũng là để hỗ trợ DN một phần, và cho thấy ngân hàng thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

“Việc tăng lãi suất là việc làm rất khó khăn của các NHTW, trong đó có NHNN. Vì thế, NHTW hiện nay phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Những động thái thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn vừa qua, theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước là rất linh hoạt, có thể thích ứng nhanh với các diễn biến quốc tế. Nhà điều hành tiền tệ bám sát thực tế và dùng các phương pháp khoa học để tạo ra môi trường tâm lý tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Song ông cũng lưu ý chính sách tiền tệ cũng cần rất thận trọng trong thời điểm này. Vì những tác động tương hỗ giữa lạm phát, lãi suất, tỷ giá có tính công phạt cao. Một chính sách nào đó sai thì sẽ lan toả vào thị trường. Điều mà TS. Phước cảm thấy tự tin hơn trong giai đoạn tới là Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng xử ở cả chính sách tài khoá và tiền tệ.

vietnambiz

0 bình luận, đánh giá về Đằng sau quyết định tăng lãi suất điều hành

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.43826 sec| 987.563 kb