Cả nước có 54 địa phương tăng trưởng dương và 9 địa phương ghi nhận giảm.
Hải Phòng là 1 trong 2 địa phương trên toàn quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm qua.
TP HCM ghi nhận mức giảm mạnh nhất cả nước năm vừa qua, gần 6,8%.
Theo số liệu tử Tổng cục Thống kê, năm vừa qua, cả nước có 54 địa phương tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước và 9 địa phương ghi nhận giảm.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 dẫn đầu cả nước, đạt hơn 12,4%, gần gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Thành phố trở thành là 1 trong 2 địa phương trên toàn quốc có tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong năm vừa qua. Trong mức tăng hơn 12,4% của thành phố, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng mạnh nhất, hơn 19%, đóng góp 9,85 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của thành phố.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng, là động lực tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng với mức tăng gần 22,5%, đóng góp 9,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Các ngành chủ lực như sản xuất thiết bị tự động, sản xuất điện thoại và linh kiện, sản xuất xe máy điện, sản xuất ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng duy trì mức tăng cao trong năm 2021
Chủ tịch thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết năm vừa qua, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Các chỉ tiêu quan trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngân sách, chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu vượt nhiều so với kế hoạch và tăng cao so với năm 2020.
Kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo là bám sát nghị quyết của HĐND thành phố và nghiêm túc, nhanh chóng thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Thành phố còn tuyên truyền rộng rãi cho người dân về việc không lựa chọn vaccine Covid-19, vì vậy, Hải Phòng là một trong những địa phương đi sớm trong việc tiêm phòng vaccine.
Cũng theo ông Tùng, nguồn lực đầu tư công của thành phố và nguồn lực Trung ương phân bổ cho Hải Phòng đều tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng đến các địa phương, mở rộng hành lang kinh tế.
Hải Phòng cũng chỉ đạo các ngành giải quyết nhanh thủ tục về hành chính phục vụ cho các nhà đầu tư, huy động hệ thống chính trị để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công và chủ đầu tư trên địa bàn.
Tuy vậy, kết quả tăng trưởng kinh tế năm vừa qua của thành phố so với mục tiêu đưa ra hồi đầu năm là tăng trưởng cao hơn từ 13% trở lên so với năm trước, không đạt.
Cùng với Hải Phòng, Hà Nội là địa phương có tốc độ tăng trưởng dương cao thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương nhưng ở mức thấp, hơn 2,9%. Thành phố xếp thứ 40 trên 63 địa phương về tăng trưởng kinh tế. Năm vừa qua, Hà Nội là một trong những địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19 và phải áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong thời gian dài.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tăng trưởng GRDP của Thành phố cả năm ước đạt khoảng 2,92%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định. Những cân đối thu – chi ngân sách vẫn được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 108% dự toán Trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh Covid-19, chi cho công tác an sinh xã hội.
Đà Nẵng là địa phương tiếp theo duy trì tăng trưởng dương nhưng ở mức thấp, 0,18%. Cần Thơ và TP HCM là hai địa phương có mức giảm mạnh nhất lần lượt là gần 2,8% và gần 6,8%.
Kinh tế - xã hội TP HCM năm vừa qua bị duy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP thấp nhất cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III của thành phố giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Xét về khu vực kinh tế, dịch vụ giảm mạnh nhất (5,5%) làm tốc độ tăng chung của thành phố giảm hơn 3,4%.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng năm 2021, thành phố đã "mất đà" để thực hiện chỉ tiêu 5 năm 2021-2025. Do đó, năm 2022, thành phố vừa chịu gánh nặng "vượt chướng ngại vật" trước mắt vừa tạo áp lực để bù đắp những mất mát trong năm vừa qua. Sau giai đoạn chật vật ứng phó, TP HCM đã bắt đầu thích ứng linh hoạt và sắp tới phải kiến tạo chứ không thụ động, mất đi sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết sắp tới TP HCM sẽ ban hành nghị quyết về thành phố Thủ Đức, sau đó là huyện Cần Giờ. Quan điểm của thành phố là cấp nào làm tốt thì mạnh dạn phân quyền. Thành phố phấn đấu năm nay tăng trưởng 6-6,5%.
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị định trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chỉ số chính của nền kinh tế sụt giảm, sức mua của người dân giảm mạnh, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Đến những tháng cuối năm 2021, với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi. GDP quý IV tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, đưa tốc độ tăng GDP năm 2021 lên 2,58%.
ndh.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm