Trường hợp xấu nhất, nếu tất cả các thành phố cùng áp đặt lệnh phong toả trong 1 tháng, GDP Trung Quốc có thể giảm tới 53% trong suốt khoảng thời gian đó.
Mới đây, Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay đối với thành phố Thượng Hải 25 triệu dân, nơi được coi là “trái tim tài chính” của đại lục.
Theo đó, từ 5h sáng ngày 28/3 đến 5h sáng ngày 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời sẽ được áp dụng đối với các vùng phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố. Sau đó, từ 3h sáng 1/4 đến 3h sáng 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô phía Tây sông Hoàng Phố. Người dân được yêu cầu ở trong nhà, trong khi các doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp phục vụ các ngành hàng thiết yếu, sẽ tuân thủ nghiêm các biện pháp hạn chế trong thời gian phong tỏa.
Dù được coi là một cách để chính phủ theo đuổi chiến lược Zero COVID, song quyết định trên được cho là sẽ khiến kinh tế Trung Quốc chịu tổn thất nghiêm trọng. Tờ Bloomberg dẫn lời các chuyên gia thuộc đại học Hong Kong (Trung Quốc) dự báo các biện pháp phong toả nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể khiến kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD/tháng. Con số thậm chí có thể lớn hơn nhiều nếu xét tới những tác động từ lạm phát và có thêm các thành phố lớn cũng áp dụng lệnh phong toả.
Theo Bloomberg, 46 tỷ USD là mức ước tính thiệt hại tối thiểu được các chuyên gia đưa ra dựa trên giả thuyết rằng các thành phố đang áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đóng góp khoảng 20% GDP Trung Quốc. Mức độ tổn thất sẽ tăng gấp đôi nếu những địa phương này siết chặt phong tỏa từng phần tương tự như Thượng Hải.
Giáo sư Zheng Micheal Song cùng nhóm nghiên cứu của mình đã phân tích dữ liệu định vị của gần 2 triệu xe tải hoạt động trên khắp Trung Quốc. Sự di chuyển của những chiếc xe này được cho là khá tương quan với các hoạt động kinh tế tại địa phương.
Ông cho biết chỉ riêng đợt phong toả đang được áp đặt tại Thượng Hải đã có thể khiến GDP thực của Trung Quốc giảm 4%. Nếu cả 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc cùng phong toả chặt, GDP toàn quốc sau khi điều chỉnh theo lạm phát sẽ giảm tới 12% trong suốt thời gian phong toả. Trường hợp xấu nhất, khi tất cả các thành phố cùng áp đặt lệnh phong toả trong 1 tháng, GDP nước này có thể sẽ giảm tới 53% trong suốt khoảng thời gian đó.
Hiện Trung Quốc đang chống chọi với làn sóng siêu lây nhiễm của biến chủng Omicron. Các đợt bùng dịch đã khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn quốc vượt mốc 6.000 trong tuần này. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính những khu vực áp đặt phong tỏa, với nguy cơ bùng phát dịch từ trung bình đến cao, chiếm tổng cộng khoảng 33% GDP Trung Quốc.
Trung Quốc áp đặt nhiều lệnh phong toả hơn kể từ năm 2020. Các biện pháp hạn chế đều được thực hiện theo từng khu vực cụ thể thay vì trên toàn thành phố, và chỉ khiến các hoạt động kinh tế địa phương thiệt hại khoảng 30% so với mức giảm hơn 60% trước đây. Bên cạnh đó, các đợt phong toả cũng trở nên ngắn hơn, kéo dài trung bình 21 ngày so với mức 2 tháng rưỡi tại thành phố Vũ Hán.
“Đó là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã rút ra được kinh nghiệm và điều chỉnh chính sách cho phù hợp”, giáo sư Song nói.
Tờ Bloomberg cho rằng toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể tăng trưởng, ngay cả khi phong toả tác động tiêu cực lên nhiều địa phương, bởi những khu vực khác trên cả nước vẫn có thể duy trì, thậm chí là tăng sản lượng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng chung khi đó sẽ trở nên khó khăn hơn nếu ảnh hưởng của các đợt phong toả ngày càng lớn.
cafef.vn
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm