Kinh tế năm 2023: Mấu chốt là ổn định vĩ mô

21/11/2022
huyennn
Kinh tế năm 2023: Mấu chốt là ổn định vĩ mô

Không chỉ là tăng trưởng bao nhiêu, mà điều quan trọng nhất lúc này đối với kinh tế Việt Nam có lẽ là phải giữ được ổn định vĩ mô.

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi tăng trưởng khả quan, song cũng đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái hiện nay. Ảnh: baomoi

Thách thức tăng trưởng

Quốc hội vừa quyết nghị hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, với một trong số đó là tăng trưởng GDP đạt 6,5%, còn lạm phát ở mức 4,5%. Con số này được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho là đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường, không ít đại biểu Quốc hội đánh giá mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thấp. Dễ hiểu vì sao có bình luận đó, bởi cho tới thời điểm này, gần như chắc chắn, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 8%. So với con số 8%, thì 6,5% rõ ràng là không cao.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh rằng, con số đó là “hợp lý”. Càng ngày, nhận định này của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng càng có lý.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, một cách thận trọng, sau khi đề xuất tới 3 kịch bản tăng trưởng năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn con số 6,5%. Là hợp lý, bởi trên nền tăng trưởng cao (khoảng 8%) của năm 2022, không dễ để nền kinh tế Việt Nam 2023 có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Hơn nữa, các dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thậm chí, các dự báo về kinh tế toàn cầu năm 2023 ngày càng trở nên u ám hơn. Ít ngày trước, thêm Barclays hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 1,7%, thay vì con số 2,2% được đưa ra trước đó.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia của Barclays cho biết, tình trạng lạm phát cao trên diện rộng khó có thể giảm nhanh, buộc nhiều nước phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Và điều này có thể dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trước Barclays, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều lên tiếng cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề.

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023, vì thế, càng trở nên u ám hơn. Trong bối cảnh đó, hẳn nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ, bởi có độ mở lên tới 200%. Câu hỏi đặt ra là làm sao để Việt Nam vượt thách thức và đạt được mục tiêu đề ra trong một năm mà ngay cả người đứng đầu Chính phủ cũng phải thừa nhận là “khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi”?

Tiếp xúc với các cử tri tại Cần Thơ cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại một lần nữa nhấn mạnh 3 yếu tố, 3 động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Đó là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư.

Nhiều năm nay, “cỗ xe tam mã” này luôn là yếu tố quan trọng đưa nền kinh tế về đích kế hoạch.

“Thị trường nội địa gần 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp”, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nói và bày tỏ quan điểm rằng, ngay từ lúc này, cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước, đồng thời khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đánh giá cao việc Quốc hội dành nguồn lực gần 727.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022, ông Cường cho rằng, cần đẩy nhanh việc giải ngân nguồn lực này, nhất là các nguồn lực dành cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Mấu chốt là ổn định vĩ mô

Trên thực tế, dù thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là rất lớn, song dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khả thi. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng khẳng định điều này, sau khi chỉ ra một loạt động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, như khu vực dịch vụ, tiêu dùng nội địa phục hồi nhanh, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, đầu tư công được dành một ngân khoản lớn. Thậm chí, có những dự báo, như của ADB, cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn mục tiêu 6,5%.

Năm 2023, ưu tiên hàng đầu không phải là tăng trưởng, mà phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô.

- Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nhưng không chỉ là tăng trưởng, vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô. “Năm 2023, ưu tiên hàng đầu không phải là tăng trưởng, mà phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.

Năm 2022, bất chấp nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đối mặt với lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam vẫn kiểm soát được đà tăng Chỉ số Giá tiêu dùng dưới 4%. Mục tiêu trong năm tới là 4,5%.

Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam. Trong kế hoạch năm 2023, Chính phủ cũng nhất quán quan điểm điều hành là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ổn định vĩ mô không chỉ đơn thuần là lạm phát, mà còn rất nhiều vấn đề, như nợ xấu, sự biến động của các thị trường bất động sản, tài chính…

Nhìn trên khía cạnh này, rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Cú sốc thị trường trái phiếu, rồi sự biến động bất thường trên thị trường bất động sản, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, thậm chí cả những vấn đề đối với mặt hàng xăng dầu… là những vấn đề mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Nền kinh tế như đang đi trên dây, với quá nhiều rủi ro.

Ông Hoàng Văn Cường cũng lo lắng, sang năm 2023, khi thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả.

“Trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bờ vực phá sản”, ông Cường nói và cho rằng, ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.

“Chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, ông Cường nhấn mạnh.

Để nền kinh tế có thể bước vào năm 2023 với “chân thuận”, có lẽ, rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay từ bây giờ.

Đáng mừng là, trong cuộc tiếp xúc mới đây với cử tri Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đến việc nghiên cứu nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhấn mạnh việc phải giải quyết các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp… Một tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng vừa được thành lập.

Đó là những động thái quan trọng, giúp nền kinh tế có thể chuẩn bị bước vào năm 2023 với tâm thế vững vàng hơn.

baomoi

0 bình luận, đánh giá về Kinh tế năm 2023: Mấu chốt là ổn định vĩ mô

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Bình luận
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
Đăng ký thông tin để nhận tin tức và cập nhật mới nhất hàng ngày từ chúng tôi
0.41291 sec| 988.5 kb