Một phần dòng tiền rút từ các kênh đầu tư nóng trong năm 2021 như chứng khoán, bất động sản đã và đang chảy vào ngân hàng với nhu cầu trú ẩn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng.
Tiền gửi dân cư quay về kênh trú ẩn
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu mới nhất về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, cập nhật đến cuối tháng 4/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,87 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 3,5% so với cuối năm 2021.
Trong đó, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) ở mức hơn 5,79 triệu tỷ đồng, tăng 2,66% so với cuối năm 2021, tuy nhiên, so với cuối tháng 3, các TCKT đã rút ra khoảng hơn 69 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 1,18%.
Dù vậy, đây cũng là hiện tượng khá phổ biến do doanh nghiệp cần vốn khi bước vào giai đoạn cao điểm kinh doanh. Khảo sát từ năm 2013 tới nay cho thấy, có tới 7/10 năm ghi nhận các TCKT rút ròng ra khỏi TCTD vào tháng 4.
Trong khi đó, dữ liệu tiền gửi của cư dân cho thấy, đến cuối tháng 4/2022, quy mô tiền gửi của dân cư tại các TCTD ở mức 5,53 triệu tỷ đồng, tăng 4,37% so với cuối năm 2021.
Dù con số vẫn khá khiêm tốn khi so với mức tăng trưởng trung bình 6,98% trong tháng 4 hàng năm trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nhưng đã khởi sắc hơn nhiều so với 2 năm trước đó (tháng 4/2021 đạt mức 2,34% và tháng 4/2020 là 3,37%).
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng
Theo giới phân tích, một phần dòng tiền rút từ các kênh đầu tư nóng trong năm 2021 như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, tiền điện tử đã và đang chảy vào ngân hàng với nhu cầu trú ẩn, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm 30/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 9,35%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước là 6,47%. Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.
Tuy nhiên, tới cùng thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng hơn 4%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này đang tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động.
Trên thực tế, các NHTM cũng đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong quý 2 và có mức chênh lệch khoảng 30- 50 điểm cơ bản giữa lãi suất thực tế và niêm yết, thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.
Các chuyên gia phân tích tại VNDirect trong một báo cáo mới phát hành cho rằng, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, đà tăng của lãi suất huy động có thể tăng tốc trở lại trong quý 4 sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng trong năm nay khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong khi các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Ngoài ra, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.
Theo đó, chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm khoảng 0,3- 0,5 điểm % trong năm 2022, trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm nay.
nhipsongkinhdoanh
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm