Đã có dự báo điều này sẽ diễn ra cuối năm 2022, song lại có những đặc thù của Việt Nam…
Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xẩy ra, bất thường và làm thay đổi việc điều hành chính sách tiền tệ.
Đại dịch xẩy ra ngay đúng dịp Tết Nguyên đán. Với hoạt động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, đây luôn là thời điểm quan trọng hàng năm. Trước và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu thanh toán và chi trả dồn lại và tăng cao kiểu mùa vụ, gần như năm nào nhà điều hành cũng phải bơm ròng lượng tiền đáng kể trước Tết rồi nhanh chóng hút về ngay sau đó.
Biến cố bất khả kháng và gây chấn động như COVID-19 buộc Ngân hàng Nhà nước phải phản ứng không như bình thường. Hoạt động hút ròng tiền về khi đó ngừng lại, mà lẽ ra có thể mạnh như thường thấy sau các đợt bơm hỗ trợ dịp Tết, cũng như trước lượng tiền cung ứng rất lớn đưa ra mua ngoại tệ trước đó (khoảng 20 tỷ USD trong khoảng một năm liền trước, ứng với gần 500 nghìn tỷ đồng).
Không những thế, thị trường ghi nhận nhà điều hành còn bơm ròng tiền ngắn hạn ra hỗ trợ thanh khoản hệ thống, khi hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền cũng bị “giãn cách xã hội” ngay sau đó.
Bên cạnh tạm ngừng hoạt động hút bớt tiền về, có thể nói Ngân hàng Nhà nước là một trong những cơ quan quản lý vào cuộc nhanh nhất để có những chính sách hỗ trợ. Thông tư về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhanh chóng được ban hành. Đáng chú ý hơn, chính sách tiền tệ lập tức nới lỏng một cách cụ thể.
Ngân hàng Nhà nước sớm hạ các lãi suất điều hành. Đến giữa năm rồi đến cuối quý 3 của “năm COVID thứ nhất”, tình hình vẫn phức tạp và khó khăn, các lãi suất điều hành tiếp tục giảm thêm hai đợt nữa.
Chính sách tiền tệ nới lỏng thực thi trong năm 2020, duy trì trong 2021, và đến nay bắt đầu có dấu hiệu tiến gần tới “bình thường hóa”. Bối cảnh và các cân đối cũng đã khác.
Điểm hẹn từ cuối năm nay?
Tuần qua, Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC có báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, kèm dự báo.
HSBC dự báo rằng, lạm phát tại Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát sẽ có thể tạm thời vượt “mức trần” 4% ở một vài thời điểm, đòi hỏi cần bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Hướng bình thường hóa này được HSBC dự đoán rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý 3/2022, và tăng thêm 50 điểm nữa mỗi quý cho đến quý 3/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.
Dự báo trên không phải duy nhất. Một số tổ chức nghiên cứu đầu tư trong nước cũng vừa có trù tính nhà điều hành sẽ dần tăng lãi suất, với điểm hẹn dự kiến từ cuối năm nay.
Tính chính xác của các dự báo còn phía trước. Nhưng hiện tại quan ngại về áp lực lạm phát là có thực. Mặt khác, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang nhanh chóng tăng lãi suất. Điều này càng thúc đẩy chính sách tiền tệ của Việt Nam hướng đến những điều chỉnh khác với nới lỏng thời gian qua.
Nếu như khả năng tăng các lãi suất điều hành còn để ngỏ, thì hoạt động hút bớt tiền về đã thể hiện. Sau hơn hai năm tạm ngừng, ba tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã trở lại hút bớt tiền về, quy mô hiện đã ở quanh 150.000 tỷ đồng; đó là chưa kể lượng tiền hút về qua bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá.
Ngoài việc trực tiếp hút bớt tiền về, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành được xem như một “mức sàn lãi suất” trong cân đối. Thay vì “thả nổi” lãi suất liên ngân hàng trước đó để có thể giảm về sát 0%, thì với “mức sàn” lãi suất tín phiếu hút bớt tiền về hiện nay, các ngân hàng thương mại dư vốn khả dụng có thể mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước để có lãi suất cao hơn, lãi suất liên ngân hàng theo đó khó giảm sâu như trước. Hướng tác động này cũng hạn chế nhất định sự nới lỏng trước đó để dần trở lại với “bình thường hóa”.
Hút bớt tiền về, tạo “mức sàn lãi suất” trên liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước còn hướng đến thu hẹp chênh lệch lãi suất VND - USD quá lớn ở các kỳ hạn ngắn vừa qua trên thị trường liên ngân hàng, khi chênh lệch này gây bất lợi đến ổn định tỷ giá.
Trở lại với dự báo của HSBC với hướng “bình thường hóa” chính sách tiền tệ, mặc dù đã có những điều chỉnh nói trên trong điều tiết nguồn song Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đứng trước áp lực và thử thách lớn. Một phần yêu cầu kiểm soát lạm phát với yếu tố tiền tệ liên quan, một phần cụ thể từ bên ngoài khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn hướng tới khả năng tăng thêm lãi suất… Những dồn đẩy này khiến “điểm hẹn” điểm đến nửa cuối năm nay của chính sách tiền tệ Việt Nam tiềm ẩn phần gay cấn.
Việt Nam có đặc thù…
Trước những tác động và áp lực trên, như đề cập ở ý kiến vừa qua, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cũng lưu ý rằng: các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh sẽ gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề lãi suất, tỷ giá; trong đó áp lực lên lãi suất là áp lực tăng, còn với tỷ giá là đồng tiền Việt có thể mất giá.
Nhưng chính sách tiền tệ và tình hình của Việt Nam không hẳn vì thế mà quá ngột ngạt. TS. Võ Trí Thành cho rằng vẫn có cơ sở để linh hoạt hơn.
“Từ năm 2021, cách tính GDP đã được điều chỉnh, với mẫu số cao hơn thì tỷ lệ nợ công/GDP hay tỷ lệ dự nợ tín dụng/GDP sẽ giảm đi, ít nhiều tạo dư địa để điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt hơn một chút”, chuyên gia Võ Trí Thành phân tích.
Cùng hướng nhìn nhận trên, TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cũng cho rằng, có một tín hiệu tốt cho đòn bẩy tín dụng của Việt Nam hiện nay: nếu như đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP lên 7%, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 14-15% thì tỷ lệ đòn bẩy tín dụng/GDP đã giảm đi chỉ còn hơn 2 một chút, và đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Với lãi suất, TS. Thịnh cũng nhìn nhận, lãi suất các nước tăng thì lãi suất của Việt Nam cũng sẽ tăng theo. Song theo ông, Việt Nam có đặc thù, khác với các quốc gia khác, đó là thực hiện gói kích thích kinh tế chậm hơn hồi phục kinh tế. Mà hiện tại, gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm mới bắt đầu được triển khai.
“Cho nên chúng ta phải điều hành lãi suất cũng như tỷ giá để từ đó ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng, chứ không thể như các nước lại đẩy lãi suất lên”, TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Còn thực tế trên thị trường, lãi suất huy động và cho vay đã và đang có xu hướng tăng dần lên, nhất là khi một số thành viên “Big 4” cũng đã nhập cuộc.
Với xu hướng trên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang giữ các “chốt chặn” quan trọng. Các trần lãi suất huy động và cho vay vẫn giữ nguyên như lần giảm gần nhất vào tháng 10/2020; chi phí tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay trên thị trường mở vẫn đang giữ ở mức thấp. Một tín hiệu thực sự của “bình thường hóa” như HSBC đề cập sẽ được phát đi nếu những lãi suất điều hành này tăng trở lại.
nhipsongkinhdoanh
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm